Phóng viên BBC Sarah Rainsford cho rằng việc Nga trục xuất cô là quyết định mang tính “phá hoại cá nhân” và “gây sốc”. (Nguồn: Getty Images) |
Ngày 14/8, Nga cho biết việc Moscow trục xuất phóng viên Sarah Rainsford của đài BBC khỏi nước này là một hành động trả đũa Anh từ chối công nhận một phóng viên Nga không được nêu tên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh câu chuyện bắt nguồn từ mùa Hè năm 2019, khi một phóng viên Nga đã phải rời khỏi Anh vì các lý do liên quan tới thị thực "mà không có lời giải thích nào".
Bà Zakharova cáo buộc Anh "hoàn toàn hiểu sai vấn đề" và đài BBC thổi phồng việc tuyên truyền.
Trước đó cùng ngày, phóng viên Sarah Rainsford cho biết giới chức Nga đã nói với cô rằng cô “không bao giờ có thể trở lại Nga” sau khi thị thực của cô (hết hạn vào tháng 8) không được gia hạn và cô bị trục xuất khỏi Nga.
Phát biểu trên kênh BBC Radio 4, phóng viên Rainsford cho biết cô đã "sống ở Nga gần 1/3 cuộc đời" và quyết định trục xuất cô mang tính “phá hoại cá nhân” và “gây sốc”.
Truyền thông nhà nước Nga tối 12/8 đưa tin Nga đã yêu cầu một phóng viên của đài BBC làm việc tại Moscow rời khỏi Nga vào cuối tháng sau khi thị thực của cô hết hạn. Động thái này nhằm trả đũa vụ việc mà Moscowcho là Anh đã phân biệt đối xử với các nhà báo Nga.
Ngày 13/8, đài BBC đã cáo buộc Nga “tấn công trực tiếp vào tự do truyền thông” khi quyết định trục xuất phóng viên Rainsford, đồng thời ca ngợi cô là một “phóng viên xuất chúng và gan dạ”.