Tính toán của UBS dựa trên số tiền mà một quỹ lương hưu nhà nước cơ bản và các quỹ lương hưu được ủy thác (như chương trình trợ cấp hưu trí tự động của Anh hay chương trình hưu trí của Australia - không tính quỹ lương hưu tư nhân) có thể chi trả như một phần thu nhập của một phụ nữ trung bình 50 tuổi sống ở thành phố.
Kết quả khảo sát và so sánh cho hay một phụ nữ như vậy sống ở London có thể hưởng mức thu nhập tương đương 41% thu nhập hiện tại của bà khi về hưu, ngang với Hong Kong (Trung Quốc) và chỉ nhỉnh hơn một chút so với thành phố Đài Bắc (thuộc lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc) hiện xếp ở cuối bảng so sánh về triển vọng lương hưu tại các thành phố lớn trên toàn cầu. Trong khi đó, các thành phố như Singapore, Sydney, Paris và Milan đứng ở đầu bảng.
Ngân hàng đầu tư UBS cho hay lương hưu tại Anh hiện ở mức kém nhất trong số các nước phát triển. (Nguồn: Getty Images) |
Theo đánh giá của UBS, hệ thống lương hưu của Australia hiện là một trong những hệ thống lương hưu hợp lý nhất, trong đó các công ty phải chi một khoản tương đương 9,5% lương của người lao động cho chương trình lương hưu. Trong khi đó, theo chương trình đăng ký lương hưu tự động của Anh, các công ty ở nước này hiện chỉ phải chi trả khoảng 1% lương và mức này sẽ tăng lên ngưỡng 3% vào năm 2019.
Với hệ thống chi trả lương hưu hiện nay ở Australia, một phụ nữ 50 tuổi sinh sống tại Sydney có thể về hưu ở tuổi 67 với thu nhập tương đương 72% lương hiện nay, so với mức 41% ở thủ đô London.
Singapore đứng ở vị trí đầu bảng, song theo UBS, một người phụ nữ như trên nếu ở Zurich (Thụy Sỹ) có lẽ "giàu" nhất, nếu xét thêm khoản tiền tiết kiệm có được khi về hưu.
Theo tính toán của UBS, một phụ nữ như trên ở London sẽ phải để tiết kiệm khoảng 47% thu nhập hàng tháng của mình nếu muốn tiếp tục duy trì lối sống cơ bản ở thành thị. Điều này cho thấy thực tế rằng hệ thống lương hưu của Anh hiện phụ thuộc quá nhiều vào lương hưu tư nhân. Hệ thống lương hưu của Xứ sở sương mù là một ví dụ cho thấy tích lũy chậm đồng nghĩa với việc hy sinh không ít lợi ích sau này.