Theo các chuyên gia tại COP29, thế giới có thể không hoàn thành được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp theo thỏa thuận trong Hiệp định Paris. (Nguồn: Apa.az) |
Theo Báo cáo Ngân sách carbon toàn cầu mới nhất tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra từ 11-22/11, tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu trong năm nay sẽ vào khoảng 41,6 tỷ tấn, tăng từ 40,6 tỷ tấn vào năm ngoái. Trong đó, lượng khí phát thải từ hoạt động đốt than đá, khai thác, tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt chiếm đa phần.
Tổng lượng khí thải từ những hoạt động trên trong năm 2024 chiếm 37,4 tỷ tấn, tăng 0,8% so với năm 2023. Phần khí thải còn lại là từ sử dụng đất đai, trong đó tính cả phá rừng và cháy rừng.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu không có hành động để cắt giảm lượng khí phát thải ngay lập tức, nhiệt độ Trái đất sẽ nhanh chóng tăng cao và thậm chí còn vượt mức tăng 1,5 độ C so với mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris.
Trong ngày họp thứ hai tại COP29, các nước nổ ra tranh cãi về việc ai nên dẫn dắt quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch của thế giới.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, nước chủ nhà của COP29, lên tiếng phản đối các nước tiêu thụ và sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn. Lượng khí thải của Mỹ, nhà sản xuất và tiêu thụ dầu khí lớn nhất thế giới, dự kiến giảm 0,6% trong năm nay, trong khi lượng khí thải của Liên minh châu Âu (EU) dự kiến giảm 3,8%.