Công ty Mỹ vẫn muốn ở lại Trung Quốc. (Nguồn: toofaanexpress) |
Ngày 15/7, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc tăng 7,9% trong quý II/2021 so với cùng kỳ năm trước.
Tốc độ tăng trưởng đó chậm hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 18,3% mà Trung Quốc đạt được trong quý I/2021. Tuy nhiên, mức tăng trưởng trong quý I/2021 được so sánh với giai đoạn đất nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 năm 2020.
Nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics Julian Evans-Pritchard nhận định: "Dữ liệu mới cho thấy, hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc vẫn mạnh mẽ trong quý II/2021".
Tuy nhiên, vẫn có một số dấu hiệu đáng lo ngại. Theo NBS, doanh số bán lẻ đã tăng 12,1% trong tháng 6/2021 so với một năm trước. Đó là tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong năm nay.
Trong đó, doanh số bán ô tô đã giảm mạnh và các đợt bùng phát đại dịch Covid-19 mới ở Quảng Đông đã khiến các khu dân cư lớn buộc phải hạn chế tụ tập và hạn chế đi lại.
Song song với đó, doanh số bán lẻ cũng bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm trong ngành du lịch và các ngành dịch vụ.
Du lịch đường sắt, bao gồm cả tàu cao tốc hiện là hình thức du lịch liên tỉnh thống trị của Trung Quốc, đã giảm 19,9% trong tháng 6/2021 so với cùng tháng năm 2019, thời điểm trước đại dịch. Ngược lại, lưu lượng hành khách di chuyển bằng đường sắt chỉ giảm 4,5% trong tháng 5/2021 so với hai năm trước đó.
Nhà kinh tế chính của The Economist Intelligence Unit Yue Su cho biết: "Kinh tế Trung Quốc phục hồi không đồng đều".
Nhìn chung, việc ghi nhận mức tăng trưởng 7,9% là dấu hiệu đáng chú ý và giúp Trung Quốc tiếp tục vượt qua mục tiêu tăng trưởng hàng năm hơn 6% một cách dễ dàng.
Các số liệu thống kê là một lời nhắc nhở về lý do tại sao các công ty Mỹ và các công ty đa quốc gia khác quyết tâm tiếp tục kinh doanh ở Trung Quốc, bất chấp căng thẳng thời gian qua và những quy định không thể đoán trước như các vấn đề về tiếp cận thị trường và khó bảo vệ tài sản trí tuệ.
CEO Chip Bergh của công ty Levi Strauss cho biết, doanh thu tại Trung Quốc trong quý II/2021 của công ty hiện cao hơn 3% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Bergh nhấn mạnh: "Thị trường Trung Quốc là một trong những cơ hội tăng trưởng lớn nhất của chúng tôi, chúng tôi vẫn tập trung vào việc duy trì hoạt động kinh doanh tại thị trường này".
Đồng quan điểm, Giám đốc điều hành PepsiCo Ramon Laguarta cũng ca ngợi sức mạnh kinh doanh tại thị trường Trung Quốc. Ông chỉ ra rằng, sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng Covid-19 là một trong những lý do khiến Trung Quốc vẫn là lựa chọn tốt của PepsiCo.
Căng thẳng giữa Washington-Bắc Kinh và những lo ngại về nhân quyền thời gian gần đây đã khiến việc kinh doanh ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở nên khó khăn hơn đối với các công ty phương Tây.
Đầu năm nay, các công ty như H&M, Nike, Adidas và Burberry đã bị tẩy chay tại thị trường Trung Quốc.
Nhưng đối với nhiều doanh nghiệp, Trung Quốc đơn giản là một cơ hội quá lớn để không thể bỏ lỡ, do quy mô thị trường, người tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng liên tục của quốc gia này.
| Kinh tế Trung Quốc 'hạ nhiệt', mục tiêu tăng trưởng có còn trong tầm tay? Sau một năm dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi đại dịch, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hiện đang bắt đầu ... |
| Trung Quốc đối mặt 'cơn gió ngược' khi cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc Theo các nhà kinh tế, động thái cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của hệ thống ngân hàng mới đây của Trung ... |