Ông Choi Bundo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam. |
Ông có thể chia sẻ tình hình hoạt động của doanh nghiệp Hàn Quốc tại khu vực phía Nam hiện nay? Vì sao doanh nghiệp Hàn Quốc chọn Việt Nam làm điểm dừng chân?
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết năm 2023, lũy kế tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc đạt gần 86 tỷ USD, có tổng cộng 9.863 dự án, chiếm 25.1% tống vốn. Với kết quả này, Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đầu tư vào Việt Nam. Hiện có 4.500 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại khu vực Trung và Nam Bộ. Như vậy, khu vực phía Nam đang là điểm đến khá hấp dẫn đối với nhà đầu tư Hàn Quốc.
Tôi nghĩ, có khá nhiều lý do để các công ty Hàn Quốc “chọn mặt gửi vàng” ở khu vực phía Nam. Đơn cử như việc đất nước hình chữ S có môi trường chính trị ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và lực lượng lao động trẻ dồi dào. Song song với đó, thị trường Việt Nam có dân số khổng lồ, với hơn 100 triệu người dân, mức thu nhập không ngừng tăng lên, tay nghề lao động chất lượng... Đây cũng là yếu tố hấp dẫn với nhà đầu tư Hàn Quốc.
Ngoài ra, về mặt vị trí địa lý, Việt Nam khá gần với Hàn Quốc. Chi phí sinh hoạt Việt Nam khá hợp lý, trang bị cơ sở vật chất cho cuộc sống đầy đủ, rất thuận tiện cho nhà đầu tư sang đây làm việc. Việc doanh nghiệp đặt trụ sở văn phòng tại Việt Nam cũng có nhiều ưu điểm. Từ Việt Nam có thể dễ dàng di chuyển tới các thành phố lớn của các nước và vùng lãnh thổ như: Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Jakarta (Indonesia), Manila (Philippines), Phnom Penh (Campuchia) và Yangon (Myanmar) với chi phí thấp nhất và chỉ mất khoảng 2 tiếng, rất tiết kiệm thời gian.
Doanh nghiệp Hàn Quốc có gặp khó khăn gì khi kinh doanh tại khu vực phía Nam không, thưa ông? Kiến nghị của ông để khắc phục những khó khăn đó?
Gần đây, tình hình kinh tế toàn cầu khó khăn, biến động khó lường, tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp Hàn Quốc và nền kinh tế Việt Nam. Theo nhìn nhận của tôi, doanh nghiệp Hàn Quốc còn gặp những khó khăn cơ bản như sau:
Thứ nhất, việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) đang gây khó khăn lớn cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong việc quay vòng vốn. Không chỉ thế, thủ tục kiểm tra thuế, kiểm tra hải quan đang tạo gánh nặng rất lớn cho các doanh nghiệp thời kỳ khủng hoảng.
Tại Hàn Quốc, khi nền kinh tế có biến động, chúng tôi sẽ tiến hành các thăm dò, khảo sát tình hình doanh nghiệp. Từ đó, đưa ra biện pháp hỗ trợ linh hoạt để duy trì hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp. Việc làm này là cần thiết vì vừa giúp doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, vừa góp phần phục hồi kinh tế.
Theo đó, chính quyền Việt Nam cần hợp tác với các tổ chức như các hiệp hội làm cầu nối để thấu hiểu hơn các khó khăn của nhà đầu tư, qua đó, có những chính sách cải thiện về mặt pháp luật hợp lý để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
KOCHAM thường xuyên thực hiện các hoạt động CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp). Trong ảnh, đêm từ thiện KOCHAM lần thứ 20 năm 2023. (Ảnh: NVCC) |
Thứ hai, vấn đề ngành công nghiệp sản phẩm hỗ trợ. Trong số khoảng 1.800 nhà sản xuất linh phụ kiện của Việt Nam, chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này gây ra tình trạng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - trong đó có các nhà đầu tư Hàn Quốc - không tìm được nhà sản xuất nguyên liệu, linh kiện phù hợp cho sản xuất sau khi có giấy phép đầu tư tại Việt Nam, nên buộc phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Việt Nam đang ở thời điểm phải có bước nhảy vọt, không chỉ dừng lại ở việc cung cấp những nguyên liệu, linh kiện đơn giản mà cần nâng lên một tầm cao mới. Để đạt được mục tiêu này, tôi nghĩ, cần thiết lập các chính sách ở cấp chính phủ nhằm mang lại lợi ích lâu dài cho các công ty đầu tư vào ngành sản xuất vật liệu, phụ tùng và thiết bị trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Khi thành công, vấn đề này sẽ thúc đẩy sự phát triển chung của các doanh nghiệp Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời, hỗ trợ sự phát triển lâu dài của nền kinh tế.
Riêng tại Bình Dương, tình hình doanh nghiệp Hàn Quốc hiện nay tại tỉnh thế nào? Doanh nghiệp Hàn Quốc chú trọng vào lĩnh vực gì?
Bình Dương là một trong những thành phố công nghiệp tiêu biểu của miền Nam và là khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc. Tính hết năm 2023, có khoảng 449 công ty Hàn Quốc hoạt động tại Bình Dương - chiếm khoảng 18% số nhà đầu tư Hàn Quốc hoạt động tại miền Trung và khu vực phía Nam.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I/2024, Bình Dương chỉ đứng sau TP. Hồ Chí Minh về thu hút vốn FDI, với quy mô trung bình mỗi dự án gần 10 triệu USD, chiếm gần 9% tổng vốn đầu tư của cả nước, vượt Hà Nội xếp thứ ba. Điều này đã chứng minh sức hút của Bình Dương về kinh tế, khả năng quản lý, khích lệ đầu tư và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Đây cũng là lý do khiến doanh nghiệp Hàn Quốc chọn Bình Dương làm “bến đỗ”.
Hiện tại, các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Bình Dương không chỉ trong các lĩnh vực truyền thống như dệt may, giày dép, sản xuất mà còn có các doanh nghiệp hướng tới sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao như điện tử, phụ tùng ô tô...
Sự kiện Gặp gỡ Hàn Quốc 2024 - Meet Korea 2024 tại Bình Dương diễn ra từ ngày 16-17/5. (Ảnh: BTC) |
Ông kỳ vọng thế nào về sự kiện Gặp gỡ Hàn Quốc 2024 - Meet Korea 2024 tại Bình Dương diễn ra trong hai ngày 16-17/5 và sự hợp tác giữa doanh nghiệp Hàn Quốc với khu vực phía Nam trong tương lai?
Meet Korea 2024 là chuỗi sự kiện được Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức từ năm 2015, nhằm trao đổi tình hình, giải pháp và đề xuất thúc đẩy thương mại - đầu tư, văn hóa - du lịch, hợp tác phát triển và nhiều lĩnh vực khác giữa các địa phương, doanh nghiệp và đối tác Hàn Quốc.
Tiếp nối thành công của những sự kiện trược đây, năm nay, Meet Korea được tổ chức tại Bình Dương. Đây là cơ hội tuyệt vời để các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hàn Quốc tại khu vực phía Nam gặp gỡ, tìm hiểu cơ hội kinh doanh, mở rộng và kết nối quan hệ đối tác với doanh nghiệp Việt Nam. Thông qua sự kiện, các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm về môi trường đầu tư, các ngành công nghiệp trọng điểm và các công ty địa phương tại tỉnh Bình Dương và các tỉnh khu vực phía Nam.
Ngược lại, về phía Bình Dương và khu vực phía Nam, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội khám phá các cơ hội hợp tác để có thể tận dụng công nghệ, vốn và kinh nghiệm của các công ty Hàn Quốc. Sự kiện cũng là cơ hội để các tỉnh ở khu vực phía Nam đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế, quảng bá rộng rãi hình ảnh tỉnh nhà, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, góp phần tăng cường mối quan hệ với các địa phương, đối tác Hàn Quốc.
Tôi kỳ vọng, trong tương lai, sự hợp tác giữa Hàn Quốc với các doanh nghiệp ở khu vực phía Nam nói riêng và ở Việt Nam nói chung sẽ trở nên tích cực hơn, đảm bảo tốt quan hệ đôi bên cùng có lợi. Từ đó, góp phần vào việc thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
KOCHAM là tổ chức kinh tế được cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp phép thành lập từ năm 2003. Trong tổng số hơn 4.500 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại miền Trung và miền Nam Việt Nam do KOCHAM phía Nam quản lý, có hơn 950 doanh nghiệp đang là hội viên chính thức của KOCHAM. Vai trò chính của KOCHAM không chỉ là bảo vệ quyền, lợi ích và tích cực cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam thông qua các hoạt động kết nối với chính quyền địa phương và trung ương Việt Nam mà còn thực hiện nhiều hoạt động trách nhiệm xã hội CSR đa dạng để giúp đỡ cộng đồng xung quanh. |