Hạ viện Thụy Sỹ phản đối sáng kiến của Quốc hội về việc trả lại cho Đức 30 trong số 96 xe tăng Leopard 87 hiện đã ngừng hoạt động. (Nguồn: Getty Images) |
Tuyên bố ngày 3/2 nêu rõ: "Mặt khác, Ủy ban đã bỏ phiếu với tỷ lệ 8 phiếu thuận-2 phiếu chống, theo đó, phản đối sáng kiến của Quốc hội về việc trả lại cho Đức 30 trong số 96 xe tăng Leopard 87 hiện đã ngừng hoạt động của quân đội Thụy Sỹ".
Các thành viên của ủy ban trên tin rằng, những chiếc xe tăng này đóng vai trò là lực lượng dự trữ chiến lược, có thể được sử dụng để đảm bảo trang bị đầy đủ cho các đơn vị xe tăng của đất nước.
Trước đây, Bern đã từ chối yêu cầu của Đức và các nước châu Âu khác cho phép tái xuất khẩu vũ khí do Thụy Sỹ sản xuất sang Ukraine, cho rằng động thái như vậy sẽ vi phạm quy chế trung lập của nước này.
Nga đã chỉ trích phương Tây cung cấp vũ khí cho Kiev, thay vì tạo điều kiện cho các cuộc hòa đàm, đồng thời cảnh báo các âm mưu tiếp tục trang bị vũ khí cho quốc gia Đông Âu này sẽ chỉ làm kéo dài xung đột.
Trong một diễn biến khác, ngày 5/2, trả lời phỏng vấn báo chí, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhất trí rằng vũ khí do phương Tây cung cấp sẽ không được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Ông Scholz nêu rõ: “Có sự đồng thuận về điểm này”.
Các đồng minh phương Tây của Ukraine đã cam kết trang bị cho nước này các hệ thống tên lửa chính xác cũng như xe tăng, trong bối cảnh Kiev cố gắng đẩy lùi quân đội Nga ở phía Đông.
Theo Thủ tướng Đức, cách tiếp cận dựa trên sự đồng thuận như vậy giúp "tránh leo thang căng thẳng".