📞

Lý do khiến nợ liên bang Mỹ năm 2031 sẽ ở mức cao nhất mọi thời đại

Thế Việt 15:20 | 12/02/2021
TGVN. Ngay cả khi không có thêm chi tiêu hoặc cắt giảm thuế, nợ liên bang Mỹ dự kiến sẽ tăng lên 107% GDP vào năm 2031, mức cao nhất mọi thời đại trong lịch sử nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngay cả khi không có thêm chi tiêu hoặc cắt giảm thuế, nợ liên bang Mỹ dự kiến sẽ tăng lên 107% GDP vào năm 2031, cao nhất mọi thời đại. (Ảnh: Finnews)

Ngày 11/2, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) Mỹ cho biết tổng số nợ của chính phủ liên bang dự kiến sẽ vượt quá quy mô của nền kinh tế Mỹ trong năm nay, chưa tính gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden đề xuất. Tuy nhiên, thâm hụt liên bang hằng năm sẽ giảm so với năm trước.

Theo đó, trong năm 2021, nợ liên bang của Mỹ sẽ lên tới khoảng 102% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tăng nhẹ so với năm trước. Ngay cả khi không có thêm chi tiêu hoặc cắt giảm thuế, con số này dự kiến sẽ tăng lên 107% GDP vào năm 2031, mức cao nhất mọi thời đại trong lịch sử nước Mỹ.

CBO cho rằng quy mô tiêm chủng mở rộng sẽ giảm đáng kể số ca nhiễm SARS-CoV-2 và yếu tố này thúc đẩy kinh tế nhanh chóng tăng trưởng trở lại mức trước đại dịch vào giữa năm 2021. CBO dự báo GDP sau khi giảm 3,5% trong năm 2020, sẽ tăng gần 5% vào năm 2021 trước khi chững lại với tốc độ tăng trưởng hằng năm trên 2%.

Cũng theo CBO ước tính, tỷ lệ thất nghiệp liên bang sẽ trở lại về mức trước khi xảy ra đại dịch vào năm 2024. Các dự báo của CBO cho thấy mức nợ sẽ vẫn cao trong lịch sử ngay cả khi nền kinh tế phục hồi thành công. Thâm hụt liên bang trung bình hằng năm sẽ vào khoảng 1.200 tỷ USD từ năm 2022 đến năm 2031.

Tuy nhiên, theo một số nhà kinh tế, chi tiêu thâm hụt nhiều hơn có thể là yếu tố trợ giúp mà nền kinh tế Mỹ cần tới.

Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel kiêm giáo sư Đại học Colombia Joseph Stiglitz cho biết vẫn còn khoảng cách đáng kể giữa sản lượng kinh tế thực tế của quốc gia và sản lượng kinh tế tiềm năng.

Ông Stiglitz cho rằng, các nhà lập pháp nên tập trung vào việc thu hẹp khoảng cách đó để giảm tỷ lệ thất nghiệp và mở rộng nền kinh tế. Theo ông, chi tiêu thâm hụt sẽ mở rộng sản lượng và việc làm mà có thể tạo ra nhiều thu nhập từ thuế hơn và vì vậy đây không phải vấn đề quá lo lắng.

CBO đưa ra dự báo trên một ngày sau khi Chủ tịch Cục Dự dữ liên bang (Fed) Jerome H. Powell cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tiếp tục cao. Tăng trưởng việc làm ở Mỹ đã bị đình trệ ngay cả khi khoảng một nửa trong số 22 triệu việc làm bị mất trong cuộc khủng hoảng đã được phục hồi.

Dự báo trên của CBO có khả năng sẽ tác động tới các cuộc thảo luận về gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD do chính quyền của ông Biden đề xuất. Hiện hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận do đảng Cộng hòa không đồng ý với khoản tiền lớn của gói kích thích khi cho rằng Mỹ sẽ phải đối mặt với gánh nặng nợ không bền vững sau khi chi hơn 4.000 tỷ USD để ứng phó với đại dịch.