Lý do Tổng thống Mỹ Donald Trump rút lại quyết định tấn công Iran. (Ảnh minh họa: TV7 Israel News) |
Ngày 20/6, quân đội Iran đã bắn hạ một máy bay do thám không người lái của Mỹ. Sau nhiều tuần Tổng thống Trump gia tăng các lời lẽ chống lại Iran và các nhà lãnh đạo của nước này, nhiều người đã tự hỏi rằng liệu ông Trump có tận dụng cơ hội này để viện cớ cho một hành động quân sự chống lại Iran hay không?
Theo các Tweet đăng ngày 21/6 của Tổng thống Trump, ông đã suy nghĩ về việc cho phép thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào Iran nhưng đã thay đổi quyết định vào phút cuối cùng. Tại sao Tổng thống Trump lại quyết định không sử dụng vũ lực nữa?
Tổng thống Trump có ít nhất hai sự lựa chọn
Một khả năng là ông Trump không phải sử dụng tới vũ lực bởi vì ông có một loạt lựa chọn khác. Các học giả chuyên nghiên cứu chính sách đối ngoại thường nhắc tới "tính có thể thay thế được", vốn thực ra là một cách nói rằng các nhà lãnh đạo có một danh sách các lựa chọn khi đưa ra các quyết định về chính sách đối ngoại. Trong trường hợp này, Tổng thống Trump có (ít nhất) hai sự lựa chọn để trả đũa hành động gây hấn của Iran: leo thang bằng các cuộc không kích hoặc tiếp tục (và tăng cường) các biện pháp trừng phạt. Lựa chọn không thực hiện các cuộc không kích nằm trong dự đoán bởi vì chúng thường được sử dụng trong các cuộc khủng hoảng ít nổi bật, tuy nhiên chọn trừng phạt là điều nằm ngoài dự đoán trong một cuộc đối đầu khẩn cấp với rủi ro cao (khả năng xảy ra chiến tranh với Iran) bởi vì trừng phạt (đặc biệt là đối với các chế độ chuyên quyền) thường mất một thời gian dài mới thu được kết quả.
Sự lựa chọn này đã trái ngược hoàn toàn với quyết định của Tổng thống Trump khi tiến hành các cuộc không kích nhằm vào Syria hồi tháng 4/2018. Trong trường hợp đó, rủi ro mà nước Mỹ phải chịu ít hơn nhiều. Syria, không giống Iran, đã trở nên bất ổn do cuộc nội chiến đang xảy ra. Syria cũng không có khả năng tấn công lại Mỹ như Iran. Trong trường hợp của Iran, không giống như Syria, Mỹ đối mặt với khả năng thực sự xảy ra một cuộc chiến trong khu vực. Điều này có thể giải thích tại sao ông lại chọn biện pháp trả đũa kiềm chế hơn.
Một logíc chiến lược?
Một lý do khác liên quan tới vấn đề chiến lược giải thích tại sao ông Trump rút lại quyết định không kích Iran. Sức mạnh trên không có thể được sử dụng theo 2 cách cơ bản: khắc chế và trừng phạt. Không kích khắc chế tấn công vào các khả năng quân sự của một đối thủ nhằm hạn chế khả năng đáp trả của kẻ đó. Không kích trừng phạt nhằm đập tan ý chí chiến đấu của kẻ thù bằng cách gây ra thiệt hại cho dân thường. Theo nghiên cứu của hai tác giả bài viết, trong lịch sử có nhiều bằng chứng cho thấy các chiến lược khắc chế thường mang lại hiệu quả cao hơn. Các mục tiêu là các chế độ chuyên chế cũng thường ít bị tổn thương trước sức ép của việc bị trừng phạt.
Hành động của Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ cho thấy tham vọng muốn khắc chế các khả năng của Mỹ và hạn chế việc nước này tiếp cận các tin tức tình báo. Tổng thống Trump có thể đã lo ngại rằng các cuộc tấn công của Mỹ sẽ có vẻ như một hình thức trừng phạt, do ước tính sẽ gây ra thương vong lớn. Hiểu rằng các cuộc tấn công như vậy không chắc sẽ mang lại hiệu quả về mặt quân sự, ông Trump có thể đã quyết định rằng những gì đạt được sau các cuộc tấn công đó không đáng để Mỹ phải nhận phản ứng tiêu tực từ dư luận vì số dân thường bị thương vong của Iran. Các nhà lãnh đạo của các quốc gia dân chủ thường lo ngại về số dân thường thương vong hơn so với các lãnh đạo của các quốc gia chuyên chế.
Một cuộc không kích là không cân xứng?
Lý do cuối cùng có thể ảnh hưởng tới việc thay đổi quyết định của Tổng thống Trump là nguy cơ xảy ra những thiệt hại kèm theo. Lựa chọn của Trump khi hủy bỏ các cuộc không kích cũng có thể được giải thích bằng những bình luận của ông về nguy cơ đây sẽ là một sự đáp trả không cân xứng, trong đó những thiệt hại kèm theo và số người thương vong có thể làm tăng chi phí được ước tính của các cuộc không kích và khiến chúng ít trở nên hấp dẫn đối với các nhà lãnh đạo.
Trong một tweet của mình, Tổng thống Trump đã đề cập tới lý thuyết chiến tranh cổ điển về tính cân xứng, với nội dung cơ bản là các lợi ích quân sự thu được từ một cuộc tấn công phải đủ lớn để biện minh cho những thiệt hại mà cuộc tấn công đó gây ra. Tweet của Trump không nêu cụ thể các khu vực nào bị nhằm mục tiêu ở Iran, nhưng ám chỉ rằng việc 150 người Iran bị thiệt mạng là một cái giá quá lớn so với những lợi ích mà Mỹ có thể thu được từ cuộc tấn công này. Đáng chú ý là Iran cũng tuyên bố công khai rằng nước này có khả năng bắn hạ một máy bay quân sự của Mỹ nhưng sẽ không làm như vậy. Tương tự như Trump, Iran dường như đang gửi tín hiệu không muốn leo thang cuộc khủng hoảng này bằng cách tránh gây ra thiệt hại về người.
Theo hai tác giả bài phân tích, việc sử dụng sức mạnh không quân trong xung đột, cho dù có sự phối hợp của các lực lượng trên mặt đất hay không, đều khiến số dân thường bị thương vong tăng lên. Mặc dù tweet của Trump không nói cụ thể liệu 150 người được dự đoán sẽ bị thương vong là dân thường hay của các lực lượng vũ trang, song bất kể khi nào sức mạnh trên không được sử dụng, thương vong của dân thường là điều không tránh khỏi. Thiệt hại về dân thường có thể khiến dư luận Mỹ và cộng đồng quốc tế phản ứng tiêu cực, như đã xảy ra khi Mỹ dùng vũ lực trên không ở Trung Đông và châu Phi.
Sự kiềm chế đã chiến thắng
Mặc dù các cuộc không kích thường được cho là lựa chọn có chi phí thấp, song khả năng gây ra thương vong và leo thang một cuộc xung đột khiến chúng trở thành một lựa chọn quá "đắt đỏ" trong trường hợp này. Các báo cáo gần đây của các tổ chức nhân quyền và các thông tin thiệt hại về dân thường do tổ chức phi chính phủ Airwars công bố, cũng như việc xem xét chưa từng có tiền lệ của Lầu Năm Góc về số dân thường thương vong trong các chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ những năm gần đây, cho thấy dư luận rất quan tâm tới vấn đề này.
Các cuộc không kích chắc chắn sẽ dẫn tới những thiệt hại khác kèm theo nhiều hơn so với các hình thức sử dụng sức mạnh quân sự khác. Do tính phổ biến và thường được lựa chọn làm công cụ chính sách đối ngoại của các cuộc không kích, nên có thể các nhà lãnh đạo đã bắt đầu cân nhắc tới hậu quả ngoài ý muốn của biện pháp này.