📞

Mặc cho thế giới đang dần 'cai nghiện' USD, đồng bạc xanh vẫn không có đối thủ

Linh Chi 08:30 | 15/05/2023
Thời gian qua, phi USD hóa đã trở thành một chủ đề được tranh luận nhiều trong giới tài chính. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư và nhà kinh tế hàng đầu của Mỹ không mất ngủ trước những nỗ lực làm xói mòn sự thống trị của đồng bạc xanh đối với dòng chảy đầu tư và thương mại toàn cầu.
Trung Quốc và Nga đã đi đầu trong chiến dịch "xa lánh" đồng USD. (Nguồn: iStock)

Xu hướng phi USD hóa lan rộng

Phi USD hóa là cụm từ thường xuyên xuất hiện trên các mặt báo trong những tháng gần đây. Thời gian qua, một số quốc gia tăng cường nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh trong các giao dịch xuyên biên giới.

Trung Quốc và Nga đã đi đầu trong chiến dịch "xa lánh" đồng USD, sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính lớn đối với đất nước của Tổng thống Vladimir Putin vì chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Hồi tháng 3/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin ra tuyên bố nhất trí tăng cường hợp tác song phương trên lĩnh vực kinh tế, trong đó nổi bật là việc thúc đẩy sử dụng đồng Nhân dân tệ trong giao dịch hai nước.

Theo hãng tin Reuters, ông Putin tuyên bố ủng hộ “việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trong thanh toán giữa Nga và các quốc gia châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh”.

Trước đó vào năm 2014, lãnh đạo hai bên cũng từng ký thỏa thuận cam kết ưu tiên đồng Nhân dân tệ và đồng Ruble trong thanh toán song phương.

Trong năm qua, Bắc Kinh đã kêu gọi các đối tác thương mại chấp nhận thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ, thay vì USD trong các giao dịch hàng hóa.

Phía Moscow cũng yêu cầu các hợp đồng khí đốt tự nhiên phải được trả bằng đồng Ruble, thay vì đồng tiền của các quốc gia "không thân thiện".

Trong tháng 2/2023, trên sàn giao dịch Moscow, lần đầu tiên khối lượng giao dịch đồng Nhân dân tệ đã vượt đồng USD. Trong khi đó, trước cuộc xung đột với Ukraine, lượng đồng Nhân dân tệ giao dịch tại thị trường Nga là không đáng kể.

Đầu năm nay, Bộ Tài chính Nga cũng cho biết, đồng Nhân dân tệ “đang ngày càng quan trọng” với quỹ đầu tư quốc gia của nước này.

Bắc Kinh và Moscow cũng đã nhiều lần tiết lộ sẽ cùng với các thành viên khác của nhóm BRICS tung ra một loại tiền dự trữ mới , với hy vọng có thể thay thế đồng USD như một loại tiền dự trữ quốc tế.

Trong khi đó, Brazil và Ấn Độ cũng đang theo đuổi một số sáng kiến nhằm loại bỏ đồng USD trong giao dịch thương mại.

Mỹ có nên lo lắng?

Một số người lo lắng rằng, xu hướng chống lại đồng USD sẽ diễn ra trên toàn thế giới để phá vỡ sự thống trị của đồng tiền Mỹ.

Có một số bằng chứng cho thấy, thế giới đang dần 'cai nghiện' đồng USD. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp số liệu cho thấy, tỷ trọng của đồng bạc xanh trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm từ 71% xuống 60% kể từ đầu thế kỷ này.

Gần đây, Brazil cũng tuyên bố, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã thay thế đồng Euro trở thành đồng tiền lớn thứ hai trong dự trữ ngoại hối của nước này. Điều này làm dấy lên lo ngại, tình trạng dự trữ của đồng USD có thể bị đe dọa tại Brazil.

Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực phi USD hóa của Trung Quốc, theo IMF, đồng Nhân dân tệ vẫn chỉ chiếm 2,7% tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu. Các nhà phân tích tin cũng rằng, không có khả năng một loại tiền tệ đối thủ sẽ sớm vượt qua đồng USD.

Số liệu của IMF cũng chỉ ra rằng, trong những năm gần đây, chỉ 1/4 số người chuyển từ USD sang đồng Nhân dân tệ. Thay vào đó, các ngân hàng trung ương đã chuyển sang nắm giữ các loại tiền tệ dự trữ phi truyền thống như Krona và Won.

Chuyên gia Cedric Chehab của Fitch Solutions nhận định: “Đồng Euro là một liên minh tiền tệ và tài khoá không hoàn hảo. Đồng Yen Nhật có tất cả những thách thức mang tính cơ cấu xét tới mức nợ cao. Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ cũng không đủ sức thay thế USD.

Nếu nhìn vào tỷ lệ của đồng Nhân dân tệ trong tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu, con số chỉ vào khoảng 2,7%. Và Trung Quốc vẫn đang áp những hạn chế về tài khoản vãng lai. Điều đó có nghĩa là bất kỳ một đồng tiền nào cũng sẽ phải mất một thời gian dài để chiếm vị trí của đồng USD”.

(theo Reuters, Business Insider)