Đức đã yêu cầu Hội đồng Bảo an (HĐBA) họp kín để tìm cách công bố báo cáo với lý do rằng, Berlin cần biết vì sao một lượng vũ khí lớn vẫn được tuồn vào Libya bất chấp lệnh cấm vận của LHQ.
Phát biểu trước báo giới, Phó Đại sứ Đức tại LHQ, ông Guenter Sautter nhấn mạnh: “Chúng tôi cần nêu tên và lên án những kẻ vi phạm trắng trợn lệnh cấm vận vũ khí”.
Hình ảnh một thiết bị nổ được đưa đến thủ đô Tripoli, Libya do Tập đoàn Wagner - một nhà thầu quân sự tư nhân được cho là có quan hệ gần gũi với Điện Kremlin thực hiện.(Nguồn: AFP) |
Ngoài ra, Đức cũng đề nghị tổ chức hội nghị cấp cao vào ngày 5/10 tại LHQ về vấn đề Libya - nơi mà lệnh ngừng bắn mong manh đang thắp lên hy vọng chấm dứt cuộc chiến đẫm máu suốt gần một thập kỷ qua. Tuy vậy, cuộc họp của HĐBA hôm 25/9 đã không thể đạt được quyết định công khai bản báo cáo chưa chính thức nói trên.
Theo một nhà ngoại giao yêu cầu giấu tên, cả Nga và Trung Quốc đều cương quyết phản đối việc công khai báo cáo” mà không thể đưa ra bất cứ lý lẽ thuyết phục nào về quan điểm này”, cũng như chỉ trích các chuyên gia soạn thảo.
Truyền thông phương Tây cho hay, văn bản này chỉ ra rất nhiều vi phạm của Tập đoàn Wagner - một nhà thầu quân sự của Nga được cho là có quan hệ gần gũi với Điện Kremlin. Báo cáo cũng cho thấy sự xuất hiện ngày càng nhiều những chuyến hàng vũ khí được chuyển tới cùng lúc cho cả lực lượng của Tướng Khalifa Haftar được Nga, Ai Cập, Saudi Arabia và UAE hậu thuẫn và Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya được LHQ công nhận và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ.
Báo cáo kết luận: “Lệnh cấm vận vũ khí vẫn hoàn toàn vô hiệu. Trong các trường hợp liên quan đến những quốc gia thành viên trực tiếp hỗ trợ các bên xung đột, những vụ vi phạm là rất nghiêm trọng, trắng trợn và hoàn toàn coi nhẹ các biện pháp trừng phạt”.