Một camera được nhìn thấy bên ngoài tòa nhà Quốc hội Serbia. (Nguồn: Reuters) |
Mặc dù Serbia muốn gia nhập EU, nhưng vẫn tăng cường hợp tác với Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh địa chính trị và kinh tế hàng đầu của EU và Mỹ, nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, lĩnh vực năng lượng và công nghệ cũng như mua vũ khí.
Trung Quốc đã cung cấp hàng tỷ Euro các khoản vay để phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng ở Serbia. Bắc Kinh cũng đang theo đuổi kế hoạch về một “con đường tơ lụa kỹ thuật số” kết nối viễn thông, trong đó Serbia sẽ là một mắt xích then chốt ở châu Âu.
Serbia đã ký hai thỏa thuận không ràng buộc với Huawei từ năm 2017 - một thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược trong việc phát triển internet băng thông rộng, thỏa thuận còn lại là về dự án “thành phố thông minh” bao gồm thu thập, lưu trữ và quản lý dữ liệu.
Năm ngoái, Bộ trưởng Thương mại Serbia Rasim Ljajic cho biết, Tập đoàn Telekom Srbija thuộc sở hữu của nhà nước Serbia đang đàm phán với Huawei về một dự án trị giá 150 triệu Euro để thiết lập Internet băng thông rộng tốc độ cao ở quốc gia có 7 triệu dân vùng Balkan này. Đối với mạng 5G hiện đại, lĩnh vực mà Huawei có vị trí thống lĩnh thị trường, Trợ lý Bộ trưởng thương mại và viễn thông của Serbia Irini Reljin cho biết, Belgrade có kế hoạch đấu thầu vào đầu năm 2021.
Trong khi đó, Huawei cũng tham gia vào một dự án của Bộ Nội vụ Serbia nhằm lắp đặt hơn 1.100 camera giám sát với chi phí không được tiết lộ cho hệ thống giám sát giao thông và kiểm soát tội phạm ở Belgrade. Các chuyên gia công nghệ Serbia cũng đã hợp tác với Huawei để cải tiến phần mềm nhận dạng khuôn mặt.
Các quan chức hàng đầu của Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch nước này Tập Cận Bình đã đến thăm Serbia, trong khi Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã mô tả mối quan hệ với Bắc Kinh là “sắt đá” và ông Tập Cận Bình là “người anh em”.