📞

Mãi đồng hành cùng lịch sử dân tộc

13:00 | 30/04/2017
Chiến thắng 30/4/1975 là thành quả vĩ đại có tầm cỡ quốc tế, có tính thời đại sâu sắc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Trong đó, tư tưởng độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ của Bác không bao giờ tách rời ý chí thống nhất của nhân dân cả nước.

Cách đây 42 năm, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hàng năm, cứ vào dịp này, mỗi người dân Việt lại nhớ tới Bác Hồ muôn vàn kính yêu; nhớ tới con người suốt cuộc đời kiên quyết đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc.

Mục tiêu phấn đấu suốt đời

Miền Nam cũng là nơi Bác đã ra đi tìm đường cứu nước từ bến Nhà Rồng ngày 5/6/1911, vì vậy, khi tiếng súng kháng chiến của nhân dân Nam Bộ vang lên ngày 23/9/1945, Bác Hồ đã khẳng định với toàn thể dân tộc Việt Nam, và thế giới: “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”. “ Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Với Người, đất nước, núi sông Việt Nam là một khối thống nhất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đoàn đại biểu Anh hùng, Chiến sĩ thi đua các Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc (11/11/1965).

Một nước Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ là mục tiêu phấn đấu suốt đời của Bác. “Trung – Nam – Bắc đều là đất nước Việt Nam. Chúng ta đều chung một tổ tiên, dòng họ, đều là ruột thịt anh em”. Bác nói: “Dù ở xa, nhưng lòng tôi và chính phủ rất gần Nam Bộ. Tôi theo dõi từng giờ, từng phút cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào, chiến sĩ và cán bộ ta”.

Ngay trước cửa nhà sàn Bác ở, Bác cũng trồng hai cây dừa do đồng bào miền Nam biếu tặng. Bên cạnh nhà sàn là cây vú sữa của một bà má miền Nam (Cà Mau) gửi biếu từ năm 1955. Hai cây dừa và cây vú sữa được Bác tự tay chăm sóc hàng ngày. Riêng điều đó thôi cũng đủ nói lên tình cảm sâu đậm và thiêng liêng mà Bác đã dành cho đồng bào miền Nam.

Chưa giải phóng được miền Nam, Bác tự coi là nhiệm vụ của mình làm chưa hoàn thành. “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”, Bác nói. Tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 khóa II, Quốc hội nước ta quyết định tặng Người Huân chương Sao vàng, Người đã chối từ với tâm sự làm xúc động hàng triệu con tim: “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc – Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng”.

“Miền Nam luôn trong trái tim tôi”

Nhiều lần, Bác đề nghị Bộ Chính trị tổ chức cho Bác vào thăm vùng giải phóng miền Nam, nhưng vì tuổi cao và sức khỏe đã yếu nên các đồng chí không tổ chức cho Bác đi được. Chính vì vậy, khi có các đoàn đại biểu của miền Nam ra Bắc dù là đi công tác, đi họp, học tập, hay tham quan, chữa bệnh, các đồng chí đều được sắp xếp để gặp Bác.

Đặc biệt, ngày 20/10/1962, lần đầu tiên đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc đến gặp Bác. Xúc động ôm hôn giáo sư Nguyễn Văn Hiếu - Trưởng đoàn, Bác đã đặt tay lên ngực và nói: “Hình ảnh miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim tôi”.

Đoàn đại biểu cuối cùng của miền Nam được gặp Bác trước lúc Người đi xa là đoàn đại biểu Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình miền Nam do luật sư Trịnh Đình Thảo dẫn đầu. Ngày 5/8/1969, ngày thứ hai trên đất Bắc, đoàn vô cùng xúc động và vui mừng được đón Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới thăm tại nơi nghỉ của đoàn ở Hà Nội. Tình cảm và sự quan tâm sâu sắc của Bác đã động viên tinh thần rất lớn, góp phần vào những chiến công của quân và dân miền Nam.

Đáp lại tình cảm của Bác, nhân dân miền Nam đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc chuyển biến mau lẹ, “một ngày bằng hai mươi năm”. Chớp thời cơ chiến lược, Bộ Chính trị, T.Ư Đảng hạ quyết tâm động viên sức mạnh cao nhất của cả nước, kiên quyết giải phóng hoàn toàn miền Nam. Hướng ra tiền tuyến lớn, miền Bắc dốc toàn bộ sức mạnh tiềm tàng của mình cho miền Nam tổng tiến công và nổi dậy. Trên chiến trường, quân dân ta mưu trí, dũng cảm tiến công.

11 giờ 30 phút trưa ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng của quân đội Nhân dân Việt Nam húc đổ cánh cửa sắt Dinh Độc Lập, lá cờ cách mạng phấp phới bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn, báo hiệu chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại kính yêu toàn thắng. Sự nghiệp giải phóng miền Nam đã được thực hiện, non sông đã liền một dải, đất nước đã thu về một mối. Khát vọng của Bác Hồ - Chủ tịch Hồ Chí Minh, ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và dân Việt Nam đã trở thành hiện thực.

Trong ngày vui đại thắng rợp cờ hoa, Bác Hồ không có mặt, đó là nỗi niềm bùi ngùi nhất trong mỗi người dân Việt Nam. Song, tư tưởng, tình cảm của Người vẫn mãi mãi đồng hành cùng dân tộc.

Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu