SITE cho hay trong ngày 1/7, nhóm khủng bố Nusrat al-Islam wal Muslimeen đã đăng tải đoạn video, không rõ ngày tháng thực hiên, lên trang mạng xã hội Telegram.
Trong đoạn video, một đối tượng đã giới thiệu lần lượt từng con tin bị bắt cóc bao gồm: 1 công dân Nam Phi có tên Stephen McGown, bị bắt cóc tại khu vực Timbuktu, miền Bắc Mali, hồi tháng 11/2011; 1 phụ nữ người Pháp là bà Sophie Petronin, bác sĩ người Australia Arthur Kenneth Elliott, bị bắt cóc tại Djibo, Burkina Faso tháng 1/2015; thợ mỏ người Romani Iulian Ghergut cũng bị bắt giữ tại Burkina Faso tháng 4/2015; nhà truyền giáo người Thụy Sĩ Beatrice Stockly bị bắt cóc hồi tháng 1/2016; và nữ tu sĩ người Colombia Gloria Cecilia Narvaez Argoti bị bắt cóc tại làng Karangasso gần Burkina Faso vào tháng 2/2017.
Công dân Pháp Sophie Petronin bị bắt cóc khi đang hoạt động tại Mali. (Nguồn: France 24) |
Kết thúc đoạn ghi hình, chúng cho rằng cho tới nay chưa hề có cuộc đàm phán thương lượng nào về việc thả những con tin này và khẳng định các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục.
Trước đó, chưa có nhóm khủng bố nào lên tiếng thừa nhận bắt cóc bà Petronin. Năm 2016, bà Petronin đã bị một nhóm vũ trang bắt cóc tại thị trấn Gao, phía Bắc Mali, khi đang tiến hành chương trình nhân đạo chăm sóc trẻ em suy dinh dưỡng tại khu vực này. Theo SITE, đoạn ghi hình cho thấy bà Petronin bày tỏ hy vọng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ giúp bà trở về đoàn tụ với gia đình. Đoạn video này được công bố đúng vào thời điểm ông Macron có chuyến thăm Mali nhằm bày tỏ sự hậu thuẫn của Pháp và phương Tây trong cuộc chiến chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan ở khu vực Sahel.
Miền Bắc Mali đã đặt dưới sự kiểm soát của một nhánh hồi giáo thánh chiến thuộc tổ chức khủng bố Al-Qaeda Năm 2012. Cho tới nay, LHQ đã triển khai 12.000 binh sĩ trong Phái bộ gìn giữ hòa bình và Pháp đang duy trì hơn 4,000 quân nhân để thực hiện chiến dịch chống khủng bố, với tên gọi “Barkhane” tại khu vực.
Pháp đã phát động chiến dịch quân sự Barkhane vào năm 2014 với quy mô lớn nhằm tiêu diệt những nhóm khủng bố ở khu vực Sahel có liên quan đến tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda. Hiện quân đội Pháp tiếp tục mở rộng nhiệm vụ chống khủng bố trên khắp khu vực Sahel nhạy cảm này.