📞

Mầm xanh dưới tuyết trắng

05:37 | 29/01/2010
Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2010 nhấn mạnh sự hợp tác toàn cầu để giải quyết các vấn đề cấp thiết của kinh tế thế giới.

Đồng hồ, ngân hàng và Davos, bản thân những từ này đặt riêng rẽ cũng đã làm cho ta liên tưởng đến đất nước trung lập Thụy Sĩ, nhưng khi đặt theo trình tự như trên nó lại có một ý nghĩa nhất định. Đồng hồ Thụy Sĩ có từ hàng trăm năm, ngân hàng Thụy Sĩ danh tiếng hơn một thế kỉ và Davos nổi lên bốn chục năm nay. Theo thời gian, những danh từ đó còn mang mục đích sở hữu khá rõ ràng: người giàu, người rất giàu và giới siêu giàu. Nắm giữ một chiếc đồng hồ hạng trung khoảng vài nghìn USD, gửi tiền vào ngân hàng ở đây là những người có hàng triệu USD và đứng sau chiếc vé vào cửa ở Davos có giá 30.000 USD là những đại gia có tài sản tính bằng tiền tỷ mỹ kim.

 

Ngân hàng, năng lượng và an ninh lương thực 

 

Tầng lớp siêu giàu cùng các chính trị gia trên toàn thế giới khoảng 2.500 người đã tụ họp tại Davos trong vòng 4 ngày, bắt đầu từ 27/1 để bàn về nguyên nhân và làm thế nào không để xảy ra các cuộc khủng hoảng và cần tái định hình nền kinh tế toàn cầu ra sao trong những năm sắp tới. Bối cảnh của Diễn đàn năm nay không căng thẳng như năm ngoái bởi sự phục hồi kinh tế thế giới diễn ra nhanh hơn dự đoán. Sự tự tin đã quay trở lại với các nhà lãnh đạo nhiều nước khi tỉ lệ thất nghiệp đã giảm và kinh tế nước họ đã có tăng trưởng dương những quí cuối năm cho dù cơ sở phục hồi chưa thực sự vững chắc.

 

Tổng thống Pháp Sarkozy trong buổi khai mạc Diễn đàn nhấn mạnh việc mất cân bằng chính là nguồn gốc của khủng hoảng. Ông nói việc các nước có thặng dư thương mại cần phải tiêu dùng nhiều hơn, nâng cao mức sống của người dân nước mình, còn các nước bị thâm hụt thì phải có trách nhiệm trả nợ nhiều hơn. Ông Sarkozy đặc biệt lưu ý đến những vấn đề về tài chính ngân hàng như là khởi điểm của cuộc Đại suy thoái vừa qua. Đó là việc định giá dưới giá trị đồng tiền của một số nước dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế. Tình trạng các chủ nhà băng không nhận định đúng khả năng trả nợ của người đi vay rồi tự thưởng cho mình những khoản tiền hậu hĩnh dẫn đến sự tồi tệ trong quản trị ngân hàng. Nguyên thủ nước Pháp từ đó đã kêu gọi thiết lập một hiệp định Bretton Wood mới và Pháp với tư cách là chủ tịch G8 và G20 trong năm tới sẽ hướng vào.   

 

Trong các phiên thảo luận nhiều đại biểu đã cho ràng sự phục hồi kinh tế sẽ khó khăn hơn nhiều chúng ta tưởng. Có thể nó theo dạng hình chữ U nhưng bi quan hơn chuyển sang dạng hình chữ W, hai lần chạm đáy. Ông Heiz Takenaka Giám đốc Trung tâm nghiên cứu an ninh toàn cầu của Đại học Keio Nhật cảnh báo theo kinh nghiệm Nhật Bản quá trình hồi phục có thể kéo dài 15 năm. Trung Quốc và một số nước nhóm BRIC sẽ dẫn dắt thế giới thoát ra khỏi suy thoái nhưng nhà nghiên cứu này cũng cho rằng, Trung Quốc, nền kinh tế hướng đến xuất khẩu cũng sẽ rất khó khăn do Mỹ, nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới, đang hạn chế nhập khẩu.

 

Một số nhà nghiên cứu cho rằng trong bối cảnh hiện nay cần phải có những giải pháp toàn cầu mới có thể thoát ra khỏi khủng hoảng, nhưng các phản biện cho rằng giải pháp cho từng nước đã khó thì các giải pháp toàn cầu còn khó hơn nhiều. Tuy nhiên, Dennis Nally, Chủ tịch của Pricewaterhouse Cooper cảnh báo nếu các quốc gia không chung sức thì nền kinh tế thế giới lại bước lùi và không thể tiến lên được.

 

Ngoài những chủ đề kinh tế vĩ mô, những chủ đề hết sức thiết thực đến đời sống kinh tế thế giới cũng được đưa ra bàn thảo trong Diễn đàn lần này. Đó là việc đầu tư không đúng mức cho cơ sở hạ tầng về năng lượng và nông nghiệp sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu và lương thực trên phạm vi toàn cầu trong những năm tới. Các nhà phân tích cho rằng việc giá dầu hạ trong năm qua đã làm giảm các khoản tiền cho phát triển các mỏ khai thác dầu mới và tình trạng giá lương thực tăng giảm thất thường dẫn đến việc đầu tư không đủ vẫn  luôn là nguy cơ đe dọa việc nuôi sống hàng tỉ người trên trái đất. 

 

Nâng cao vị thế của các nền kinh tế mới nổi

 

Trong một số vấn đề có thể chưa thống nhất tại Diễn đàn nhưng những gì đoàn Việt Nam mang đến đây được các đại biểu rất quan tâm. Những trình bày của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong các phiên mà Việt Nam tham gia với tư cách chủ trì như tại phiên họp với các Giám đốc điều hành của hơn hai chục tập đoàn trên thế giới, Tái thiết tăng trưởng kinh tế, Tái định hình nền quản trị toàn cầu hay các phiên về An ninh lương thực, Cộng đồng Đông Á đã thu hút sự chú ý rất cao.

 

Những thành công trong việc phát triển kinh tế Việt Nam năm qua: đầu tư nước ngoài vẫn duy trì tốt, ODA tăng kỉ lục, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đảm bảo an ninh lương thực cho hơn 85 triệu người và cung cấp hơn 6 triệu tấn gạo cho thế giới là những đóng góp không nhỏ vào sự ổn định của khu vực và toàn thế giới. Thủ tướng Việt Nam cũng cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay không chỉ là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam mà còn là một cơ hội để Việt Nam tiến nhanh hơn.

 

Trong mối quan hệ quốc tế, người đứng đầu Chính phủ  Việt Nam đã nhấn mạnh về vị trí đang ngày càng tăng lên của Đông Á mà ASEAN là trọng tâm và đề nghị các nền kinh tế mới nổi cần có vị trí xứng đáng hơn trong vấn đề quản trị toàn cầu. Nhân dịp này Thủ tướng kêu gọi các chính khách, nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam tham dự WEF Đông Á được tổ chức tại TP. HCM tháng 6 năm nay cũng như các Diễn đàn của ASEAN năm 2010 khi mà chúng ta đảm nhiệm cuơng vị Chủ tịch ASEAN.

 

Mỗi một kì Davos, thế giới lại chứng kiến những thay đổi trong cách nhìn nhận về sự phát triển kinh tế toàn cầu ngắn và dài hạn. Có một điều là sự lạc quan đã trở lại trong năm 2010 mà góp phần vào tinh thần đó có Việt Nam. Màu xanh đang ấp ủ phía dưới lớp tuyết trắng dày tại Davos và chỉ chờ đủ nhiệt độ là vươn lên thành rừng cây.

 

Những vấn đề về kinh tế “nóng bỏng” đang được bàn thảo tại Davos có làm cho thành phố nổi tiếng này ấm lên?

 

Tùng Lâm(từ Davos)