Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn. |
Johnathan Hạnh Nguyễn - cái tên được nhiều báo chí trong và ngoài nước săn đón, là một trong những doanh nhân Việt kiều đầu tiên về nước đầu tư. Ông là người sáng lập và hiện là Chủ tịch Công ty Liên Thái Bình Dương - Imex Pan Pacific (IPP).
Đến nay, dưới sự lãnh đạo của ông - một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất Việt Nam, IPPG đã triển khai hơn 30 dự án hợp tác đầu tư trên toàn quốc với tổng vốn hơn 450 triệu USD, doanh thu gần 1 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 25.000 lao động Việt Nam.
Chuyến về thăm quê và sứ mệnh mở đường đặc biệt
Trước khi được biết đến là một trong những doanh nhân thành đạt và nổi tiếng tại Việt Nam, ông Johnathan Hạnh Nguyễn từng giữ chức Thanh tra tài chính của Boeing Subcontractors Hoa Kỳ và Tổng đại diện của Philippines Airlines tại Đông Dương. Ông cũng là người góp nhiều công sức trong việc đàm phán để mở tuyến bay chính thức giữa Việt Nam với Philippines.
Vị doanh nhân này từng chia sẻ, trong một chuyến đưa gia đình lần đầu tiên về Nha Trang rồi sau đó ra Hà Nội theo lời mời của Văn phòng Chính phủ nhân dịp Tết Nguyên đán năm 1984, ông đã vinh dự được tiếp kiến Thủ tướng Phạm Văn Đồng và được đề nghị hỗ trợ Việt Nam mở đường bay với Philippines. Ông cảm thấy vinh dự vì hiểu rằng đây là một sứ mệnh đặc biệt và vô cùng quan trọng để giúp Việt Nam mở cánh cửa hội nhập với thế giới.
Ngay sau đó, ông đã thành lập công ty PHL Impex International (tiền thân của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương IPP) để làm đối tác với Vietnam Airlines. Đồng thời, qua sự giới thiệu của gia đình bên Philippines, ông tìm cách tiếp xúc, đề cập đề nghị mở đường bay tới Manila (do VietnamAirlines thực hiện) với Tổng giám đốc Philippines Airlines. Tuy nhiên, không may là chính phủ của Tổng thống Marcos khi đó đã không đồng ý, thậm chí còn chỉ thị cấm mọi đề nghị xin phép mở đường bay.
Mặc dù vậy, giữa lúc gần như mọi nỗ lực đều đi vào bế tắc, bằng mối quan hệ với Phủ Tổng thống và với nhiều sáng kiến, thậm chí có lúc tính mạng như ngàn cân trên sợi tóc, ông vẫn liều lĩnh tìm gặp và đề xuất thẳng thắn với Tổng thống Marcos.
Cuối cùng, những hành động nhiệt huyết xuất phát từ lòng yêu nước và niềm tự tôn dân tộc cũng được đền đáp. Ngày 9/9/1985, chuyến bay đầu tiên từ TP. Hồ Chí Minh với 31 hành khách là quan chức hàng không Việt Nam và báo giới đã đáp thành công xuống sân bay Manila của Philippines rồi quay trở về thành phố mang tên Bác với 30 tấn hàng hóa là quà biếu của kiều bào Mỹ gửi về cho thân nhân ở Việt Nam.
Đây là thời điểm “người mở đường” Johnathan Hạnh Nguyễn không thể ngăn được cung bậc cảm xúc tự hào cùng những giọt nước mắt trong niềm tự hào. Đó là chuyến bay quốc tế đầu tiên của Vietnam Airlines đến một nước không nằm trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, góp phần đặt nền móng cho việc mở cửa và hội nhập của Việt Nam sau này.
Trở lại quê hương và dấu ấn thương trường
“Tôi tin tương lai đất nước nhất định sẽ khởi sắc, tốt đẹp”, ông chia sẻ.
Sau thành công mở đường bay TP. Hồ Chí Minh - Manila, ông quyết định trở về quê hương cho dù Việt Nam thời kỳ đó vẫn chưa được mở cửa.
Với một niềm tin và mong muốn được góp phần giúp quê hương vượt qua giai đoạn khó khăn, ông Johnathan từng bước đưa ra những mục tiêu nền móng cho những hợp tác giao thương với nước ngoài ở Việt Nam.
Khác với phần lớn doanh nhân khác khi làm kinh tế trong thời kỳ nước nhà chưa hội nhập, ông đặt mục tiêu vì sự phát triển của đất nước làm trọng tâm và đi đường dài. Theo ông, dù có thể còn nhiều khó khăn và thậm chí là hơi thiệt thòi nhưng sau này sẽ xây dựng được một nền tảng vững chắc và quan điểm đó đã được duy trì xuyên suốt trong 36 năm qua trong mọi chiến lược kinh doanh của ông. Luôn lấy sự tôn trọng luật pháp, minh bạch và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với các cơ quan nhà nước làm kim chỉ nam trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh, những thành công của ông không chỉ nằm ở danh mục đầu tư mà còn ở sự đóng góp của mỗi ngành kinh doanh của tập đoàn vào sự phát triển kinh tế và thịnh vượng của nước nhà.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn và các đồng nghiệp tại Tập đoàn IPPG. (Nguồn: IPPG) |
Với tôn chỉ đó, ông liên tiếp gặt hái nhiều dấu ấn thương trường, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu từ đầu năm 2020, tác động không nhỏ đến toàn bộ đời sống, kinh tế, xã hội của hầu hết các nước và vùng lãnh thổ, làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, kéo theo suy thoái về kinh tế, nhiều doanh nghiệp, nhà máy phải tạm dừng hoặc đóng cửa... Tập đoàn IPPG của ông không phải ngoại lệ.
Tuy nhiên, với bản lĩnh và ý chí đã được tôi luyện qua những thời khắc khó khăn nhất, ông đã cùng tập đoàn một lần nữa “biến nguy thành cơ”, hướng tới hoàn thành mục tiêu kép: vừa chống dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Trong đợt dịch Covid-19, IPPG đã hỗ trợ chiến dịch phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam hàng chục tỷ đồng. Quỹ vì cộng đồng của IPPG do ông là Chủ tịch thường xuyên triển khai nhiều hoạt động thiết thực cho xã hội như: trao học bổng cho trẻ em nghèo khó khăn ở các vùng sâu, vùng xa; xây trường học, tài trợ giáo dục, hỗ trợ công tác phòng chống Covid-19 cho các tỉnh thành.
Năm 2021, tại Mỹ, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đại diện cho IPPG ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư với ba đối tác hàng đầu của Mỹ trong các lĩnh vực tài chính, khu phức hợp vui chơi giải trí và phát triển đô thị… để xúc tiến hình thành các trung tâm tài chính và nhiều dự án khác tại Việt Nam.
Tháng 8/2021, ông có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư các dự án trọng điểm của công ty IPPG. Tiếp đó, IPPG cùng với các đối tác đầu tư Mỹ và Hàn Quốc… tích cực phối hợp với các bộ ngành, địa phương nghiên cứu triển khai 45 dự án trọng điểm tại Việt Nam.
Có thể thấy, thời kỳ khó khăn nhất của đại dịch Covid-19 đã tạo nên dấu ấn, khẳng định sứ mệnh của Tập đoàn IPPG: “MANG TINH HOA VIỆT NAM VƯƠN TẦM THẾ GIỚI”. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông đã được ghi nhận xứng đáng.
“Để có được như ngày hôm nay là cả một hành trình hơn ba thập kỷ nỗ lực đầy gian nan, đẫm mồ hôi và nước mắt, là sự phấn đấu, kiên định theo lời khuyên của bác Trần Quỳnh (Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng khi ông mới về nước): Con làm ăn ở Việt Nam phải luôn kiên nhẫn và tuân thủ pháp luật thì Đảng, Nhà nước và nhân dân sẽ luôn ủng hộ và bảo vệ con”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.
| Cần xây dựng tiêu chí và danh mục tủ sách tinh hoa tri thức thế giới Ngày 15/9, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Tri thức (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam – Liên hiệp Hội ... |
| Nâng tầm di sản văn hoá phi vật thể ở Việt Nam Được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 là một tín hiệu mạnh mẽ về sự ủng hộ, ghi ... |
| Gen Z 'vươn mình' ra thế giới Nhờ tư duy mở và tinh thần tự lập, dám nghĩ dám làm, thế hệ Gen Z dễ dàng vượt qua được các khuôn khổ ... |
| Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm tài chính của khu vực và thế giới Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các tập đoàn, quỹ đầu tư toàn cầu chia sẻ kinh nghiệm, tham vấn lựa chọn mô hình ... |
| Bức tranh thế giới đầu năm 2024 và những vấn đề mang tính toàn cầu Bất ổn, xung đột chuyển từ năm 2023 tiếp tục diễn biến phức tạp, phát sinh những vấn đề mới khó lường ngay trong tháng ... |