📞

Mảnh đất miễn nhiễm đô thị hóa

14:00 | 16/07/2016
Ít ai biết rằng giữa thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia hiện đại, năng động và phồn hoa lại có một góc bình yên, đậm chất nông thôn đến thế.

Vâng, đó chính là Kampung Baru, một ngôi làng mộc mạc và “miễn nhiễm” với quá trình đô thị hóa trong nhiều thập kỷ qua.

Ngôi làng lạc lõng

Bạn có thể dễ dàng quên mất rằng mình đang ở giữa một thành phố lớn khi đi bộ trên những con phố tại Kampung Baru. Mặc dù đứng ở đây bạn hoàn toàn có thể nhìn thấy tòa tháp đôi Petronas nổi tiếng – biểu tượng cho một Malaysia hiện đại, nhưng bầu không khí nơi đây rất thanh bình với những hàng chuối, hàng cọ, những ngôi nhà gỗ một hoặc hai tầng và thỉnh thoảng thấp thoáng một vài chiếc xe hơi hay mô tô lướt qua.

Một ngôi nhà cổ ở Kampung Baru. (Nguồn: Changing Times)

Kampung Baru, được thành lập bởi chính quyền thực dân Anh vào năm 1900, gồm 7 ngôi làng nhỏ trên diện tích khoảng 1,2km2. Mục đích ban đầu là nhằm tạo ra một cộng đồng, thu hút người Malaysia ở nông thôn tới Kuala Lumpur làm ăn, sinh sống. Đặc biệt, vị trí của Kampung Baru chỉ cách tòa tháp đôi Petronas 1km, là khu đất còn lại duy nhất nằm giữa thủ đô chưa bị đô thị hóa  nên Kampung Baru đã trở thành niềm mơ ước của biết bao nhà thầu, nhà đầu tư.  Ước tính giá trị của Kampung Baru có thể lên tới hơn 1,4 tỷ USD.

Trong nhiều thập kỷ, Chính phủ Malaysia đã không gặp thuận lợi trong việc phát triển khu vực này. Phần lớn đất ở đây thuộc sở hữu lâu đời của nhiều gia đình người Malaysia. Họ truyền lại, phân chia cho các thế hệ con cháu và biến con số người sở hữu trở nên khổng lồ: 1.355 lô đất thuộc sở hữu của 5.300 người. Điều này khiến chính quyền địa phương gặp khó khăn nếu muốn quản lý, mua lại hay xây dựng trên vùng đất này.

Khi làn sóng “phát triển” gọi tên

Đầu năm 2015, Chính phủ Malaysia đã ban hành Kế hoạch tổng thể chi tiết phát triển Kampung Baru tầm nhìn 20 năm, bao gồm xây dựng 1.900 phòng khách sạn, 2,7 km2 diện tích mặt bằng văn phòng và 17.500 căn hộ. Khoảng hơn 10% còn lại của khu vực này sẽ dành cho cây xanh, công viên và hồ nước.

Mặc dù các quan chức Malaysia khẳng định họ có kế hoạch bảo tồn di sản Kampung Baru bằng cách giữ nguyên trạng một số ngôi nhà, xây dựng một trung tâm nghệ thuật và các gian hàng thủ công Malaysia, bản phác thảo kiến trúc lại cho thấy Kampung Baru sẽ phát triển hiện đại với những tòa nhà chọc trời và đường đi bộ ở trên cao gợi nhớ tới công viên trên cao High Line của thành phố New York (Mỹ) thay thế cho những con phố quanh co và các cửa hàng nhỏ hiện nay.

Bước đầu tiên của kế hoạch này là mua lại toàn bộ đất Kampung Baru. Nhưng công cuộc này đã vấp phải sự phản đối của nhiều chủ đất. Chính phủ Malaysia hiện đang cố gắng áp dụng một chiến thuật tinh tế hơn nhằm khuyến khích các chủ đất cùng nhau tham gia vào một nhóm bán hoặc phát triển đất đai của họ. Có khoảng 40% các chủ đất đã ký kết chấp thuận nhưng số cư dân Kampung Baru còn lại quả quyết họ sẽ không bán đất. Nhiều cư dân Kampung Baru cho rằng điều họ cần là sự phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện cuộc sống của họ và nhấn mạnh nếu chính phủ muốn họ chấp nhận thì phải xây dựng nhiều khu nhà ở cho người dân chứ không phải là những căn hộ sang trọng mà họ không bao giờ có thể mua nổi.

Trên thực tế, việc xây dựng đã bắt đầu trong một số dự án cơ sở hạ tầng và các tòa nhà, bao gồm chung cư. Chủ tịch Công ty Cổ phần Phát triển Baru Kampung Datuk Affendi Zahari mô tả những thay đổi sắp tới sẽ làm thức tỉnh người dân.

“Chúng tôi đang bắt đầu triển khai một số dự án cơ sở hạ tầng với các nhà đầu tư và hy vọng rằng các chủ đất cũng sẽ thấy được những thành tích của chúng tôi và lựa chọn phương án phát triển đất đai của họ. Tin tôi đi, bạn sẽ không muốn mình bị bỏ lại phía sau”, ông Datuk Affendi Zahari nhấn mạnh.

Phần lớn các gia đình muốn ở lại Kampung Baru ngoài vấn đề tình cảm gắn bó với nơi này còn vì họ không chắc chắn rằng có đủ khả năng thuê hay mua nhà tại các khu vực khác của thành phố ngày càng đắt đỏ này. Dường như cuộc đấu tranh cho Kampung Baru của họ đang chỉ mới bắt đầu.