📞

Mạnh tay Lobby, Huawei ‘chơi trò’ chống lại chiến dịch bài trừ tại châu Âu

13:12 | 01/01/2020
TGVN. Tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei đã hiện diện tại “Lục địa già” gần 20 năm nay và đã khéo léo xây dựng mạng lưới, phát triển hệ thống, cũng như có được một lượng khách hàng thân thiết.        
Mở chiến dịch Lobby, Huawei ‘chơi trò’ chống lại chiến dịch bài trừ tại châu Âu. (Nguồn: Getty Images)

Chiếm lĩnh "sân khấu"

Tuy nhiên, hơn một năm sau khi nổ ra tranh cãi về sự an toàn trong bảo mật của nhà cung cấp Trung Quốc, số phận của Huawei hiện vẫn rất bấp bênh ở châu Âu.

Bị giằng xé giữa một bên là các lệnh trừng phạt của đồng minh Mỹ, vốn luôn thúc giục Liên minh châu Âu (EU) loại tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc khỏi mạng lưới viễn thông của mình và một bên là đối tác kinh tế Trung Quốc, EU đang bị phân tán và đành để mỗi quốc gia tự quyết định việc sử dụng hay loại trừ Huawei. Trước quyết định chậm trễ này của Brussels, Huawei đã tăng gấp đôi nỗ lực vận động hành lang với các chính phủ, với quyết tâm giữ vững thị trường chiến lược quan trọng này.

Tại Brussels, trụ sở của Nghị viện châu Âu, các nhóm thuộc tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc, được đặt dưới sự lãnh đạo của Abraham Liu - đại diện của Huawei tại EU, đã tích cực vận động hành lang trong nhiều tháng với các nghị sĩ để bảo vệ những tính năng công nghệ của 5G và thuyết phục các nghị sĩ châu Âu về thiện ý của nhà cung cấp thiết bị Trung Quốc. Với các ấn phẩm báo cáo hoặc nghiên cứu, những cuộc thảo luận bàn tròn, các hội nghị và thậm chí cả xe buýt được trang bị 5G ..., tập đoàn này đã không ngừng nỗ lực chiếm lĩnh “sân khấu” ở Thủ đô của châu Âu và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình.

Trong năm 2017 - 2018, chi tiêu cho vận động hành lang của Huawei tại EU đã tăng gần 30%, lên mức 2,8 triệu Euro. Đây là một mức ngân sách vẫn còn khiêm tốn so với các “ông lớn” công nghệ của Mỹ như Google hoặc Microsoft (hơn 5 triệu Euro mỗi tập đoàn), dù vậy điều này vẫn đặt Huawei vào số các công ty trả nhiều nhất cho việc bảo vệ các lợi ích của mình tại Brussels.

Và cách nuôi dưỡng mạng lưới

Không chỉ nhắm vào trung tâm sức mạnh châu Âu, công ty Trung Quốc còn đang “chơi trò chơi” chống lại chiến dịch bài Huawei của phía Mỹ - những người cáo buộc họ làm gián điệp cho Bắc Kinh.

Tại Pháp, nhà khổng lồ viễn thông Trung Quốc đã huy động đội quân của mình cho mục đích khôi phục lại hình ảnh. Huawei dựa vào các công ty tư vấn công quan trọng nhất như Boury, Tallon & Associés cùng chi nhánh M & M Conseil, cũng như công ty tình báo kinh tế ESL & Network, để tiếp cận các văn phòng bộ trưởng ở Pháp và tìm mọi cách để khiến chính phủ lắng nghe.

Huawei được cho là đang nắm giữ gần 40% thị trường thiết bị viễn thông ở châu Âu. (Nguồn: Reuters)

Trong khi đó, các thực thể đóng tại Pháp của tập đoàn công nghệ cũng được hưởng lợi từ mạng lưới chính trị và hai nhân vật rất có uy tín trong ngành công nghệ, đó là cựu Bộ trưởng Jean-Louis Borloo và cựu Hiệu trưởng trường Bách khoa Jacques Biot, cả hai đều tham gia hội đồng quản trị của Huawei tại Pháp.

Chiến dịch vận động của “gã khổng lồ” Trung Quốc không phải là mới. Nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới đã đặt nền móng tại châu Âu trong gần hai thập kỷ. Họ đã tìm cách xâm nhập vào các mạng viễn thông bằng cách giảm giá thiết bị của mình tại thời điểm mà các đối thủ cạnh tranh đang bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế không thuận lợi và bởi hậu quả của việc sáp nhập nhiều lần.

Huawei đã hòa nhập vào môi trường châu Âu bằng cách khéo léo nuôi dưỡng mạng lưới của mình với các chương trình bảo trợ cho văn hóa, các sự kiện thể thao, nghiên cứu tại các trường đại học hoặc đầu tư vào mảng phát triển khởi nghiệp. Ngày nay, tập đoàn viễn thông Trung Quốc đã hợp tác với tất cả các nhà khai thác mạng lớn của châu Âu, từ tập đoàn của Đức lớn số 1 châu Âu Deutsche Telekom, đến Telefonica của Tây Ban Nha, BT của Anh và Orange của Pháp.

Huawei được cho là đang nắm giữ gần 40% thị trường thiết bị viễn thông ở châu Âu, nhưng sự hiện diện của họ thay đổi theo từng quốc gia. Tại Anh, một báo cáo của viện Montaigne công bố hồi tháng Năm cho biết, "70% cơ sở hạ tầng 4G của đất nước đã được xây dựng bởi nhà cung cấp thiết bị Trung Quốc". Tại Đức và Pháp, con số lần lượt là 70% và 25% mạng di động của từng nước sử dụng các sản phẩm mang nhãn Huawei.

Để tập hợp các chính phủ, vốn càng ngày càng tỏ ra miễn cưỡng trong việc mở rộng cánh cửa thị trường, trong vài tuần gần đây Huawei đã không ngần ngại mời chào các khoản đầu tư hấp dẫn, đồng thời nhắc lại những đóng góp kinh tế mà họ đã làm cho “Lục địa Già”.

Đầu tháng 11, Huawei đã công bố một nghiên cứu của công ty tư vấn tài chính Oxford Economics, ước tính đóng góp của Huawei cho nền kinh tế châu Âu là 12,8 tỷ Euro trong năm 2018.

Cùng với đó, Huawei cho biết, họ dự định tăng số lượng mua từ các nhà cung cấp châu Âu lên 40 tỷ USD (khoảng 36 tỷ Euro) - bao gồm 10% tại Pháp - trong 5 năm tới. Một thông báo quan trọng được đưa ra ngày 18/12 khi Chủ tịch của Huawei Liang Hua tiết lộ tham vọng của tập đoàn về việc xây dựng trên lãnh thổ châu Âu một nhà máy sản xuất linh kiện cho mạng 5G.

Không chỉ dừng ở đó, tập đoàn khổng lồ của Trung Quốc còn đưa ra nhiều thông báo mới, đặc biệt là về chương trình hỗ trợ của họ dành cho các nhà phát triển châu Âu trong năm 2020.

(theo Le Monde)