Ấn Độ, Trung Quốc tăng nhập khẩu dầu Nga. Hình ảnh bồn chứa dầu tại Nhà máy lọc dầu Duna của Hungary, nơi tiếp nhận dầu thô của Nga thông qua đường ống Druzhba. (Nguồn: AFP) |
Mỹ, EU gây áp lực tối đa
Sau cuộc họp giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Mỹ và Ấn Độ vào tháng 4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Washington thấu hiểu nhu cầu của Ấn Độ về năng lượng giá cả phải chăng, nhưng "chúng tôi mong các đồng minh và đối tác không tăng mua năng lượng của Nga".
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu trong cuộc họp của Ủy ban Tài chính Thượng viện tuần trước rằng, Mỹ và các đồng minh châu Âu cũng đang tham gia các cuộc thảo luận "cực kỳ tích cực" về việc phối hợp các biện pháp, có thể hình thành một “liên minh”, để cố gắng thiết lập giới hạn giá đối với dầu mỏ của Nga.
Bà Yellen nói rằng, mục đích của việc này là giữ cho dầu mỏ của Nga chảy vào thị trường toàn cầu để ngăn giá dầu thô, vốn đã tăng 60% trong năm nay, không tăng cao hơn nữa.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh khác cắt giảm nhập khẩu năng lượng của Nga do các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Ngày 30/5, EU đã nhất trí về gói trừng phạt thứ 6 áp lên Nga, trong đó có thỏa thuận cấm nhập khẩu phần lớn dầu từ Nga.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel viết trên Twitter sau cuộc họp thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu tại Brussels (Bỉ) cùng ngày rằng: "Biện pháp trừng phạt này sẽ lập tức ảnh hưởng tới 75% lượng dầu nhập từ Nga".
Lệnh cấm sẽ áp dụng với dầu Nga được vận chuyển bằng đường biển, chiếm khoảng 2/3 lượng dầu nhập từ Nga vào châu Âu. Ngoài ra việc Đức và Ba Lan cam kết ngừng nhập khẩu dầu thông qua phần phía Bắc của đường ống Druzhba dự kiến sẽ đưa lượng dầu Nga bị EU cấm nhập khẩu lên tới 90% vào cuối năm nay.
EU vẫn sẽ miễn trừ tạm thời lệnh cấm với dầu được vận chuyển từ Nga bằng đường ống. Điều này nhằm giúp Hungary, Slovakia và Czech có thêm thời gian chuẩn bị để dừng hẳn việc nhập dầu của Nga.
Ấn Độ, Trung Quốc - hai thị trường ngày càng quan trọng
Theo công ty dữ liệu hàng hóa Kpler, Ấn Độ - quốc gia với 1,4 tỷ dân và hiện đang rất “khát” dầu - đã tiêu thụ gần 60 triệu thùng dầu của Nga trong năm 2022, so với 12 triệu thùng của cả năm 2021.
Các lô hàng đến các nước châu Á khác, như Trung Quốc, cũng đã tăng trong những tháng gần đây nhưng ở mức độ thấp hơn.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho biết, ông sẽ xem xét các nguồn cung khác, nhưng sẽ sẵn sàng mua thêm dầu mỏ từ Nga, nhất là khi Sri Lanka đang ráo riết tìm kiếm nhiên liệu để duy trì hoạt động của đất nước trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.
Vào cuối tháng 5, Sri Lanka đã mua lô hàng 99.000 tấn dầu thô của Nga để khởi động lại nhà máy lọc dầu duy nhất của nước này.
Tin liên quan |
Xung đột Nga-Ukraine: Giành giật ‘miếng bánh còn lại’, Moscow đang đe dọa huyết mạch kinh tế cuối cùng của Iran? |
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2, giá dầu toàn cầu đã tăng vọt, đem lại cho các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ và các nước khác thêm động lực để khai thác lượng dầu mỏ mà Moscow đang cung cấp cho họ với mức chiết khấu cao từ 30-35 USD/thùng, so với dầu thô Brent và các loại dầu quốc tế khác hiện đang giao dịch ở mức khoảng 120 USD/thùng.
Tầm quan trọng của những nước này đối với Nga đã tăng lên sau khi EU gồm 27 quốc gia, thị trường chính đối với nguồn nhiên liệu hóa thạch mà đem lại phần lớn nguồn thu nhập từ nước ngoài của Moscow, đã nhất trí ngừng hầu hết các hoạt động mua dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay.
Ông Matt Smith, nhà phân tích hàng đầu tại Kpler chuyên theo dõi các dòng chảy dầu của Nga nhận định: “Có vẻ như một xu hướng đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Khi các chuyến hàng chở dầu Urals đến phần lớn châu Âu bị cắt giảm, thay vào đó, dầu thô được chuyển sang châu Á, nơi Ấn Độ trở thành khách hàng lớn nhất, tiếp theo là Trung Quốc.
Ngoài ra, các báo cáo theo dõi tàu cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một điểm đến quan trọng khác".
Theo nhà phân tích Smith, mọi người đang nhận ra rằng, Ấn Độ là một trung tâm lọc dầu. Nước này nhập dầu thô với giá rẻ từ Nga, tinh chế và bán đi các sản phẩm sạch bởi vì họ có thể kiếm được lợi nhuận cao.
Trong tháng 5, khoảng 30 tàu chở dầu thô của Nga đã cập bờ biển Ấn Độ, bốc dỡ khoảng 430.000 thùng mỗi ngày.
Nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ từ Nga đã tăng từ 100.000 thùng/ngày vào tháng 2/2022 lên 370.000 thùng/ngày vào tháng Tư và 870.000 thùng/ngày vào tháng Năm.
Xuất khẩu các sản phẩm dầu như diesel của Ấn Độ đã tăng lên 685.000 thùng mỗi ngày từ 580.000 thùng/ngày trước khi diễn ra cuộc xung đột tại Ukraine.
Ông Lauri Myllyvirta, nhà phân tích chính tại CREA thì nhận thấy, phần lớn lượng dầu diesel xuất khẩu của Ấn Độ được bán ở châu Á, nhưng khoảng 20% được vận chuyển qua kênh đào Suez, hướng đến Địa Trung Hải hoặc Đại Tây Dương, về cơ bản là sang châu Âu hoặc Mỹ.
Ông Myllyvirta nói: "Không thể định lượng chính xác lượng dầu thô của Nga trong các sản phẩm tinh chế được vận chuyển ra khỏi Ấn Độ. Tuy nhiên, Ấn Độ đang cung cấp một lối thoát cho dầu thô của Nga để thâm nhập thị trường”.
Nhập khẩu dầu mỏ từ Nga của Trung Quốc cũng đã tăng thêm trong năm nay, giúp Nga ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai khoảng 96 tỷ USD trong bốn tháng đầu năm nay.
Thời gian qua, các nhà máy lọc dầu độc lập và thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã tích cực tăng cường mua dầu thô của Nga.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), vào năm 2021, Trung Quốc là khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga, nhập khẩu trung bình 1,6 triệu thùng mỗi ngày.
| Lệnh trừng phạt thứ 6 - EU áp đảo Nga hay ra 'đòn hạ gục' thế giới, phương Tây đã hết cách? Các gói trừng phạt mới khó có thể áp đảo nền kinh tế Nga và quan trọng hơn, chúng không có khả năng thay đổi ... |
| Lệnh cấm dầu chưa phải 'đòn chí mạng' của EU, Nga 'hết cửa' ung dung tìm khách hàng mới Lệnh cấm nhập khẩu 90% lượng dầu Nga của EU vào cuối năm nay không phải là "đòn" đau nhất giáng xuống Moscow. Giới chuyên ... |