TIN LIÊN QUAN | |
Căng thẳng ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ - Hà Lan có dấu hiệu leo thang | |
Đức - Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng |
Giới phân tích dự đoán cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 16/4 tới sẽ có kết quả khá sít sao, bởi vậy các Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã lên kế hoạch tiến hành vận động tranh cử tại một số thành phố lớn ở châu Âu nhằm thu hút lá phiếu của hàng triệu công dân Thổ Nhĩ Kỳ đang sinh sống ở nước ngoài.
Quan ngại của Hà Lan
Theo Reuters, trong ngày 11/3, hai Bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Hà Lan từ chối cho phép tổ chức các cuộc vận động trưng cầu ý dân ở đất nước này do lo ngại căng thẳng trong nước lan sang cộng đồng người Thổ đang sinh sống tại đây. Máy bay chở Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu phải vòng về Pháp.
Trong khi đó, theo hãng RTL News, bà Fatma Betul Sayan Kaya - Bộ trưởng phụ trách các vấn đề gia đình của Thổ Nhĩ Kỳ - cùng người thân bị đưa trở lại biên giới Hà Lan với Đức. Trước đó, bà Kaya đã bị cảnh sát bắt giữ do tham gia cuộc biểu tình ở lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Rotterdam. Thị trưởng Rotterdam Ahmed Aboutaleb nói: “Bộ trưởng Kaya đang trên đường trở lại Đức, có cảnh sát hộ tống. Xe của bà bị yêu cầu rời đi. Việc này cũng áp dụng với các vệ sĩ và nhân viên của bà”. Ông Aboutaleb cũng cáo buộc các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ ở lãnh sự quán đã khiến ông hiểu lầm về chuyến thăm của bà Kaya khi không tiết lộ về kế hoạch biểu tình.
Trở về Istanbul vào sáng 12/3, bà Fatma Betul Sayan Kaya than phiền bị Hà Lan đối xử “một cách thảm hại và bất nhân”, cho dù bà là phụ nữ và có hộ chiếu ngoại giao. Mâu thuẫn ngoại giao đã làm bùng phát các cuộc đụng độ tại Rotterdam, nơi cảnh sát đã phải dùng đến chó nghiệp vụ và vòi rồng để giải tán đám đông biểu tình.
Đám đông người Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình ở Rotterdam, Hà Lan ngày 12/3. (Nguồn: eNCA) |
Hiện có khoảng 400.000 người Thổ Nhĩ Kỳ đang sinh sống tại Hà Lan, trong khi con số cử tri Thổ Nhĩ Kỳ đủ tư cách tại Đức là khoảng 1,4 triệu người. Đây là đơn vị bầu cử lớn thứ 4 của Thổ Nhĩ Kỳ, sau các thành phố lớn trong nước như Istanbul, Ankara và Izmir. Chính phủ Hà Lan tuyên bố không hoan nghênh các chuyến công tác kiểu này của giới chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ và rằng chúng không nên liên quan tới các hoạt động vận động tranh cử. Hà Lan đang trong chiến dịch tranh cử căng thẳng, khi vấn đề nhập cư trở thành chủ đề tranh luận nóng bỏng, do đó Amsterdam lo ngại việc Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đến có thể gây xáo trộn.
Tình huống chưa có tiền lệ
Ngay sau các diễn biến nêu trên, Ankara đã có những phản ứng vô cùng gay gắt. Đại sứ quán của Hà Lan tại Ankara bị cảnh sát bao vây, còn lá cờ Hà Lan trên Tòa lãnh sự ở Istanbul đã bị một đám đông thay bằng cờ Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Tayyip Erdogan miêu tả Hà Lan là “tàn dư của phát xít” và sau đó cho rằng “chủ nghĩa phát xít vẫn đang lan rộng tại châu Âu”. Reuters dẫn lời Tổng thống Erdogan tuyên bố: “Tôi sẽ kêu gọi mọi tổ chức quốc tế ở châu Âu áp đặt trừng phạt với Hà Lan”. Phát biểu này của ông Erdogan bị Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte coi là khá kích động.
Trước đó, Thủ tướng Binali Yildirim khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trả đũa “một cách khắc nghiệt nhất”, song không nói rõ họ sẽ dùng những biện pháp gì. Ngoại trưởng Cavusoglu cho biết ông vẫn có thể bay đến Hà Lan bất chấp cuộc biểu tình bị hủy bỏ, ông cũng có thể xuất hiện ở Tổng Lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ, như đã từng làm khi giới quan chức ở Hamburg (Đức) ngăn ông phát biểu trong cuộc mít-tinh hồi tuần trước. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích Hà Lan ngăn máy bay của ông Cavusoglu, cảnh báo việc này sẽ “gây nên những vấn đề nghiêm trọng về ngoại giao, chính trị, kinh tế và các lĩnh vực khác”. Chiều 12/3, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết không muốn Đại sứ Hà Lan tại nước này, người đang trên đường về nước, quay trở lại “trong một khoảng thời gian”.
Trong khi đó, trao đổi với báo giới, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói: “Chúng ta đang rơi vào một tình huống chưa từng có tiền lệ với một đồng minh NATO, với một nước mà chúng ta có những quan hệ lịch sử, quan hệ thương mại mạnh mẽ. Họ hành xử rất thiếu trách nhiệm và không thể chấp nhận được”. Ông Rutte cho rằng, Hà Lan không phải xin lỗi về việc từ chối để các Bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ nhập cảnh, mà trái lại Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phải xin lỗi khi so sánh Hà Lan với những kẻ phát xít.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho rằng nước này không phải xin lỗi về việc từ chối các Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nhập cảnh. (Nguồn: Irish Times) |
Sức ép lên các chính phủ châu Âu
Đối mặt với việc dư luận ngày càng ủng hộ phe cực hữu, các chính phủ châu Âu đang chịu nhiều sức ép trong việc phải có một thái độ cứng rắn đối với ông Erdogan, người bị chỉ trích là có tham vọng thay đổi Hiến pháp theo hướng tập trung quyền lực về tay mình.
Vụ việc này diễn ra sau các tranh cãi giữa hai đồng minh NATO là Thổ Nhĩ Kỳ và Đức về việc Berlin hủy hàng loạt sự kiện vận động trưng cầu ý dân của Chính quyền Ankara tại Đức. Ngày 12/3, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cho biết, ông hoàn toàn phản đối việc các Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các cuộc tập hợp vì mục đích chính trị trên lãnh thổ Đức. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble thì nói rằng ông hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ có thể cân nhắc và hành xử một cách khôn ngoan hơn.
Đức cũng là một trong những nước chỉ trích mạnh mẽ nhất các cuộc đàn áp của Ankara sau vụ đảo chính bất thành hồi năm ngoái, sự kiện khiến hơn 100.000 người bị bắt giữ hoặc bãi nhiệm do cáo buộc liên quan tới những kẻ chủ mưu hoặc phiến quân người Kurd.
Tranh cãi có nguy cơ còn lan rộng hơn sau khi vào ngày 12/3, Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen cho biết đã hoãn chuyến công du tới nước này của người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim (dự kiến diễn ra vào tháng tới) sau các sự kiện vừa qua. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pháp kêu gọi các bên kiềm chế và cho biết không có lý do để hủy cuộc gặp tại Pháp giữa ông Cavusoglu và một hiệp hội người Thổ địa phương.
Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ: Căng thẳng tái diễn giữa hai cựu thù lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa đang đối đầu với nước đồng minh Hy Lạp, vốn trước đây là một cựu thù lịch sử. |
Sỹ quan cao cấp Thổ Nhĩ Kỳ xin tị nạn chính trị tại Đức Tạp chí Spigel (Tấm gương) của Đức ngày 28/1 đưa tin 40 quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ phục vụ tại các căn cứ của Tổ ... |
Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực giải quyết tình trạng bất ổn Thổ Nhĩ Kỳ vừa tiến hành sửa đổi Hiến pháp, nhằm tăng cường quyền lực cho Tổng thống trong bối cảnh đang phải đối mặt ... |