📞

Máy lạnh đã thay đổi thế giới ra sao?

09:05 | 28/11/2017
Phát minh máy lạnh từng được BBC bầu chọn là 1 trong 50 sáng chế làm thay đổi nền kinh tế thế giới. Vậy điều nào dẫn đến phát kiến vĩ đại này?

Từ những trái chuối…

Năm 1870, thủy thủ Mỹ Lorenzo Dow Baker dẫn đầu nhóm đãi vàng ở sông Orinoco. Lúc trở về, tàu bị hư và phải dừng lại để sửa chữa ở Jamaica. Sẵn có tiền, Baker mua một ít chuối xanh. Đúng như dự đoán, về tới cảng ở Mỹ, chuối vừa chín tới và Baker bán ra kiếm được lợi nhuận kha khá.

Ông quyết định trở lại mua thêm và bắt đầu xuất khẩu chuối sang Mỹ. Kể từ đó, chuối trở thành món ăn tinh tế trong các thành phố cảng như Boston và New York. Khi đó, những phụ nữ thường ăn chuối bằng dao, nĩa để tránh cái nhìn soi mói sự ám thị liên quan đến tình dục.

Người phát triển và mở rộng diện tích trồng chuối ở Mỹ Latin là Tướng Jorge Ubico, nguyên Tổng thống Guatemala. Ông có mối quan hệ mật thiết với United Fruit Company, công ty khổng lồ của Mỹ, chuyên sản xuất và bán trái cây nhiệt đới, đặc biệt là chuối. Công ty này được biết đến như “bạch tuộc”, với các sản phẩm trái cây được phân phối khắp mọi nơi.

Nhà lãnh đạo Guatemala Jorge Ubico là một trong nhiều Tổng thống Mỹ Latin được Công ty Hoa quả Mỹ ủng hộ và tài trợ. (Nguồn: Dominio Publico)

Theo đó, Tướng Ubico đã đưa ra một đạo luật buộc người dân Guatemala phải làm việc cho các chủ đất, nghĩa là cho United Fruit Company. Guatemala và một số nước Trung Mỹ khác đã trở thành “nước Cộng hòa chuối”.

Nhưng ở thời điểm đó, chuối là một ngành kinh doanh rủi ro. Thời hạn chuối chín luôn đồng hành với thời gian vận chuyển và khi chuối đến bến cảng thì đã quá chín để có thể gửi bán ở các vùng bên trong. Nếu có cách làm mát chuối trên đường đi, chuối sẽ chín chậm, có thể gửi bán xa hơn và thu về nhiều lợi nhuận hơn.

Bên cạnh đó, chuối không phải là thực phẩm duy nhất cần đến tàu có máy làm lạnh. Hai năm trước chuyến đi đầu tiên của Baker đến Jamaica, Chính phủ Argentina đã treo giải thưởng cho bất cứ ai có thể giữ lạnh thịt đủ lâu để xuất khẩu qua biển tới các nước khác.

Chất đầy nước đá vào tàu sẽ rất tốn kém và hiển nhiên dẫn đến thất bại. Một thế kỷ trước, các nhà khoa học đã biết rằng có thể tạo ra độ lạnh nhân tạo bằng cách nén một số khí ở dạng lỏng và sau đó cho hấp thụ nhiệt khi nó bay hơi trở lại. Tuy nhiên, vẫn chưa có được một thiết kế về máy lạnh dùng cho mục đích thương mại.

Đến phát kiến vĩ đại

Vào năm 1876, kỹ sư Pháp Charles Tellier đã chế tạo thành công một con tàu với máy lạnh. Sau 105 ngày lênh đênh trên biển, con thuyền đã cập bến Buenos Aires, mang theo những thớ thịt vẫn được đông lạnh. Tờ báo La Liberté của Argentina lúc đó giật tít: "Hoan hô nghìn lần cuộc cách mạng khoa học công nghệ!" Kể từ đó, Argentina bắt đầu xuất khẩu thịt với số lượng lớn tới các nước khác.

Chỉ sau 25 năm, đã có 460 chiếc tàu gắn máy lạnh chở hàng triệu tấn thịt, chuối và nhiều thực phẩm khác, vượt đại dương cung cấp cho những nước khác nhau trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, hệ thống máy lạnh của tàu biển không thể chịu được độ rung lắc khi vận chuyển bằng đường bộ. Do đó, khi chở thực phẩm, các chủ xe tải đã phải chất đầy nước đá với hy vọng có thể hoàn thành chuyến đi trước khi đá tan chảy.

Tất cả những điều đó đã được giải quyết vào năm 1938. Với kiến thức học hết lớp 6 cùng kinh nghiệm làm việc trong xưởng sửa chữa ôtô, Frederick McKinley Jones đã sáng chế ra Thermo King, liên kết hệ thống “chuỗi lạnh" để giữ hàng hóa dễ hư hỏng, nhất là thực phẩm trong một nhiệt độ được kiểm soát.

Frederick McKinley Jones đã sáng chế hệ thống làm lạnh Thermo King cho xe tải. (Nguồn: Dominio Publico)

Phát minh này đã mang lại một cuộc cách mạng trong hệ thống chăm sóc y tế. Trong Thế chiến II, các thiết bị điện lạnh di động của Jones đã bảo quản các loại thuốc và ngân hàng máu cho những người lính bị thương. Nó cũng giữ cho các loại vaccine có thể vận chuyển đến vùng sâu vùng xa hay ở những nước nghèo mà không bị hư hỏng.

Nhưng trên tất cả, hệ thống chuỗi lạnh đã cách mạng hóa việc bảo quản thực phẩm. Trong môi trường lạnh, đặc biệt là ngăn đá, cá, hoa quả và rau củ có thể để được trong thời gian dài. Các loại trái cây nhiệt đới như chuối, xoài, vú sữa, chôm chôm… giờ đây có thể được vận chuyển và tiêu thụ ở bất cứ nơi nào trên toàn thế giới.

Khi các quốc gia bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển, một trong những thiết bị điều đầu tiên mà nhiều người mua sắm là tủ lạnh. Đơn cử như ở Trung Quốc, trong một thập kỷ qua, con số các gia đình sở hữu thiết bị này đã tăng vọt từ 25% lên 90%.

Cuối cùng, hệ thống chuỗi lạnh cho phép sự tính toán logic trong chuyên môn hoá và thương mại đối với những hàng hoá dễ hư hỏng. Một nghiên cứu cho thấy cà chua trồng ở Tây Ban Nha và chuyên chở chúng đến Thụy Điển sẽ thân thiện với môi trường hơn là trồng chúng ở Thụy Điển. Một phát hiện khác cũng cho thấy nuôi cừu ở New Zealand và chở chúng tới Anh sẽ thải ra ít dioxide carbon hơn là nuôi chúng ở Anh. Nói cách khác, tính toán logic trong chuyên môn hóa và thương mại sẽ làm tăng giá trị sản xuất trên toàn thế giới.

(theo BBC)