Nhỏ Bình thường Lớn

Mercosur – EU: Đã sẵn sàng đưa ra đề xuất thương lượng

Theo Mercopress News, ngày 11/6, sau cuộc họp với Thủ tướng Bỉ Charles Michel tại Brussels, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff cho biết, Mercosur sẵn sàng đưa ra các đề xuất về hàng hóa, dịch vụ và giảm thuế quan để thương lượng với Liên minh châu Âu về một hiệp định hợp tác thương mại.
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và Thủ tướng Bỉ Charles Michel.

Mercosur là hiệp định thương mại tự do được thành lập vào năm 1991 giữa các nước Brasil, Argentina, Uruguay, Paraguay. Đến tháng 6/2006, Mercosur kết nạp thêm sáu thành viên liên kết là Venezuela, Bolivia, Chile, Colombia, Ecuador và Peru.

Mercosur và EU đã khởi động đàm phán một hiệp định hợp tác và thương mại toàn diện từ hơn một thập kỷ nay. Sau khi nối lại các cuộc đàm phán gần đây, họ đã thống nhất trong năm 2015 phải thống nhất được các đề xuất liên quan đến hàng hóa và dịch vụ để đưa vào hiệp định.

Trước khi tới Brussels tham dự Hội nghị thượng đỉnh Celac - EU, bà Rousseff đã khẳng định đây là một cơ hội tốt để Brazil và Mercosur nhấn mạnh vào các hiệp định thương mại với EU". Bằng cách đưa ra các đề xuất của Mercosur, vấn đề thương lượng được kỳ vọng có thể tiến triển tích cực vì lợi ích của EU và Celac.

Trong vài tháng trở lại đây, Brazil đã ủng hộ và chia sẻ các yêu cầu của Uruguay và Paraguay để Mercosur vận hành linh hoạt hơn, bỏ qua những giới hạn do khối này đặt ra trong các cuộc đàm phán thương mại với các nước thứ ba, như phải đàm phán chung và có sự đồng thuận. Nhưng cho đến nay, Argentina vẫn là thành viên miễn cưỡng nhất chấp nhận đàm phán với EU và khăng khăng đòi có điều khoản về đồng thuận.

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Bỉ, Tổng thống Rousseff nói rằng, "chúng tôi đã trao đổi ý tưởng về những gì thế giới đang trải qua, về sự kết thúc của thời kỳ hàng hóa bùng nổ và nhu cầu mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế". Bà Rousseff và ông Michel cũng thảo luận về sự quan tâm của các tập đoàn Bỉ đối với chương trình cơ sở hạ tầng đầy tham vọng trị giá 64 tỷ USD của Brazil nhằm thu hút đầu tư tư nhân và giúp nước này giải quyết những khó khăn khổng lồ về kinh tế.

Kinh tế Brazil được dự báo sẽ tăng trưởng âm 1,2% trong năm 2015, sau vài năm tăng trưởng rất yếu kém. Chương trình 64 tỷ USD nhằm cải thiện và hiện đại hóa đường bộ, đường sắt, sân bay, bến cảng của Brazil và dựa trên sự tham gia của tư nhân trên cơ sở nhượng bộ. Bà Rousseff kết luận: "Các tập đoàn Bỉ có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực như cảng và cơ sở hạ tầng nói chung. Đối với Brazil, những kinh nghiệm quý này và mối quan hệ được mở rộng là rất quan trọng".

Lệ Chi