📞

Mexico: Phát hiện bia đá 'khổng lồ' hàng nghìn năm tuổi thời kỳ văn minh Maya

14:46 | 14/08/2024
Ngày 13/8, Viện Nhân chủng học và lịch sử quốc gia Mexico (INAH) thông báo các nhà khảo cổ học vừa phát hiện một tấm bia đá cỡ lớn có niên đại gần 1.500 năm tại bang miền Nam Quintana Roo của nước này.
Tấm bia đá còn khá nguyên vẹn cùng nhiều ký tự tượng hình rõ nét.

Đây được xem là một trong những phát hiện khảo cổ quan trọng nhất trong những năm gần đây, hé lộ nhiều thông tin về lịch sử hình thành và phát triển của nền văn minh Maya kỳ vĩ tại khu vực Trung Mỹ.

Dẫn thông báo của INAH cho biết, bia đá có diện tích 11 m2 được tìm thấy dưới lớp đất đá bao quanh Nohoch Mul - kim tự tháp cao nhất tại bán đảo Yucatan, nơi người Maya thường sử dụng như một đài quan sát thiên văn cũng như kiểm soát các di biến động trong khu vực.

Theo INAH, tấm bia đá còn khá nguyên vẹn cùng 123 ký tự tượng hình rõ nét được điêu khắc trực tiếp trên bề mặt.

Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy các ký tự ghi lại câu chuyện về thời điểm thành lập thị trấn Keh Witz Nal của người Maya, tương ứng với ngày 12/5 năm 569 sau Công nguyên theo Dương lịch.

Bên cạnh đó, tấm bia đá còn đề cập tới một vị vua có tên K'awiil Ch'ak Chéen lần đầu được các nhà sử học biết tới, người được cho là đã từng cai trị một vùng đất rộng lớn tại bán đảo Yucatan tại thời điểm trên.

Việc phát hiện ra vị vua này cũng đã giúp giới sử học lấp đầy khoảng trống trong trình tự các vị vua từng trị vì trong triều đại Cobá kéo dài từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VI sau Công nguyên.

Trong thông báo, INAH đánh giá nội dung các ký tự trên tấm bia đá còn là sự pha trộn giữa lịch sử và yếu tố thần thoại, trong đó miêu tả các vị thần đã lập nên Cobá, một trong những triều đại rực rỡ nhất của Maya - nền văn minh đã từng tồn tại ở khu vực Trung Mỹ từ năm 250 trước Công nguyên đến năm 1697 sau Công nguyên.

Hiện các nhà khoa học của INAH đang thực hiện công tác bảo quản tấm bia đá bằng phương pháp bơm một hỗn hợp vữa đặc biệt để lấp đầy các lỗ hổng bên trong của tấm bia, qua đó giúp tăng cường tính bền vững của di vật khảo cổ đặc biệt này.

(theo TTXVN)