📞

Mexico - quốc gia nguy hiểm thứ hai thế giới?

10:32 | 13/05/2017
Mới đây, một nghiên cứu đã gây phẫn nộ tại Mexico, quốc gia đang cố gắng cải thiện hình ảnh với bạn bè trên thế giới. Đặc biệt, nghiên cứu này lại được ủng hộ rất nhiều bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo nghiên cứu thường niên của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Mỹ (IISS), Mexico còn bạo lực và nguy hiểm hơn bất kì chiến trường nào như Afghanistan hoặc Yemen, với số lượng người chết còn vượt qua cả Syria.

Một án mạng xảy ra tại bang Guerrera, Mexico. (Nguồn: Getty)

Trong khi đó, Mexico phản bác rằng quốc gia này không phải là một trong những nước bạo lực nhất trên thế giới. Theo số liệu của Liên hợp quốc, cứ 100.000 người dân Mexico thì có 16,4 vụ giết người xảy ra, số liệu này còn thấp hơn nhiều so với các nước Mỹ Latin khác như Brazil (25,2 vụ giết người trên 100.000 dân), Venezuela (53,7 vụ giết người trên 100.000 dân) và Honduras (90,4 vụ giết người trên 100.000 dân). Trên thực tế, chính phủ Mexico đang làm mọi cách để cải thiện tình hình đất nước sau 1 thập niên tuyên chiến với bạo lực liên quan đến các băng đảng ma túy.

Bạo lực bùng phát tại Mexico từ khi cựu Tổng thống Felipe Calderon tuyên chiến với tội phạm có tổ chức cách đây 10 năm. Cuộc chiến này đã cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người và 30.000 người khác mất tích.

Tuy nhiên phần lớn diện tích đất nước này không bị ảnh hưởng bởi bạo lực. Ngành du lịch tại đây tăng trưởng 9% trong năm 2016, và việc so sánh Mexico với Syria – đất nước đang chìm đắm trong chiến tranh và hỗn loạn liên tục trong 6 năm – khiến người dân nước này tức giận. Không những thế, việc ông Trump ủng hộ nghiên cứu của IISS trên Twitter của mình càng khiến người dân Mexico phẫn nộ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, bạo lực tại Mexico là vấn đề chung của Mỹ và khu vực Mỹ Latin. Bởi Mexico sản xuất và tiêu thụ ma túy sang thị trường Mỹ, còn Mỹ là thị trường buôn vũ khí chợ đen lớn nhất.

Trong thập niên vừa qua, Mexico đã tiêu diệt hoặc giam giữ hàng chục ông trùm ma túy – một trong số đó là Joaquin “El Chapo” Guzman, kẻ mới đây đã bị dẫn độ sang Mỹ. Lực lượng cảnh sát đã phá vỡ thành công một số băng đảng ma túy, nhưng điều đó càng khiến bạo lực gia tăng khi các ông trùm tội phạm mới nổi lên tranh giành quyền lực.

Ông trùm ma túy El Chapo bị dẫn độ về Mỹ. (Nguồn: AP)

Theo IISS, rất hiếm khi bạo lực tội phạm đạt mức độ tương đồng xung đột vũ trang quân sự, tuy nhiên Mexico và các nước Trung Mỹ (Honduras, Guatemala và El Salvador) là các trường hợp đặc biệt. Hai tháng đầu năm 2017, chính phủ Mexico đã ghi nhận 3.779 vụ giết người, trong khi hơn 35.000 người phải đi di tản.

Tuy nhiên các nhà phân tích tại Mexico tỏ ra nghi ngờ cách làm việc của IISS và đặt ra câu hỏi vì sao chỉ riêng quốc gia láng giềng của Mỹ bị đưa ra làm ví dụ duy nhất trong vấn đề này. Trong khi đó, chính phủ Brazil đã ghi nhận hơn 50.000 vụ giết người mỗi năm.

Tom Long, giáo sư tại Đại học Reading – Anh, cho biết: “Đây là một bản báo cáo tồi tệ và mang tính giật gân… Việc so sánh bạo lực chống buôn bán ma túy với nội chiến là không công bằng”. Ước tính một nửa số vụ giết người tại Mexico không liên quan đến hoạt động buôn bán ma túy.

(theo The Guardian)