TIN LIÊN QUAN | |
“Mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản không thể tách rời” | |
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tới Việt Nam vào tháng 11 |
Vài ngày sau sự kiện phóng tên lửa thất bại của Bình Nhưỡng, vị cựu thống đốc bang Indiana đã tới thăm khu vực phi quân sự DMZ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Không chỉ vậy, trong chuyến công du châu Á 10 ngày (15-24/4), ông Pence còn có nhiệm vụ hàn gắn những xích mích giữa Australia và Mỹ sau khi Tổng thống Trump có cuộc điện thoại “tồi tệ” với Thủ tướng Australia hồi tháng 1. Đồng thời, vị sứ giả này còn phải trấn an các đồng minh trước những hành động bốc đồng của tân Tổng thống, như việc can thiệp vào các vấn đề khủng hoảng quốc tế như ở Triều Tiên.
Người mở đường
Chuyến công du của ông Pence đã được lên lịch trình từ lâu. Nhưng ông lại dừng chân ở Triều Tiên rất đúng thời điểm để nhấn mạnh thông điệp của Mỹ “Mọi sự lựa chọn đều đang được cân nhắc”, khi nói đến việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, chính quyền Trump vẫn ưu tiên tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng minh để tạo áp lực khiến Bình Nhưỡng phải từ bỏ vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo.
Việc ông Pence tới thăm khu DMZ và thực hiện các cuộc gặp với các lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản đã giúp ông hình thành một chính sách đối ngoại Mỹ rất quan trọng, nhưng cũng đặt ra thách thức cho chính bản thân ông. Trước đây, những kinh nghiệm về chính sách đối ngoại của ông Pence chỉ hạn chế ở các chuyến đi đến Trung Đông với tư cách là một nghị sĩ, hay các chuyến đi đến Nhật Bản, Trung Quốc, Israel và châu Âu với chức danh là Thống đốc bang Indiana.
Do đó, chuyến đi này sẽ là kinh nghiệm mới mẻ đối với ông, nhưng nó cũng rất cần thiết, trong bối cảnh phải đến tháng 5, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới có chuyến công du nước ngoài đầu tiên để tham gia cuộc họp của các nhà lãnh đạo NATO và dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Italy. Điều này tương phản với người tiền nhiệm của Trump, cựu Tổng thống Barack Obama, người đã đến thăm tới 9 nước, trong đó có nhiều nước đồng minh, chỉ trong 3 tháng đầu nhiệm kì.
Dường như ông Pence là một mảnh ghép tuyệt vời để bổ khuyết cho những thiếu sót trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Trump, khi cá nhân ông là một người sùng đạo, với phẩm chất khiêm nhường và biết tạo dựng mối quan hệ cá nhân.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence được cho là cánh tay phải của Tổng thống Donald Trump. (Nguồn: CNN) |
Với những phẩm chất như vậy, không khó hiểu khi ông Pence trở thành người đi tiền trạm hay người trấn an những đồng minh của Mỹ. Chuyến công du của ông tới châu Âu và châu Á vừa kết thúc đã phần nào đó đặt nền móng cho chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Donald Trump.
Chuyến đi châu Á - Thái Bình Dương vừa qua đã xây dựng hình ảnh của ông Pence như một lãnh đạo toàn cầu, từ những cuộc đối thoại hữu nghị với các nhà lãnh đạo châu Á, cho đến khi khoác lên chiếc áo quân đội màu nâu thăm các binh sĩ tại khu vực DMZ và nhận được sự ủng hộ của 2.500 thuỷ thủ khi phát biểu trên tàu USS Ronald Reagan ở Vịnh Tokyo.
Tuy nhiên, liệu các đồng minh có nhìn ông Pence như người phát ngôn thay cho ông Trump, hay nỗ lực trấn an của Phó Tổng thống sẽ tan biến mỗi khi Trump lại có những phát ngôn riêng trên trang Tweet cá nhân của mình, vẫn còn là một câu hỏi.
Dấu ấn ngoại giao
Dẫu vậy, không thể phủ nhận những động thái ngoại giao của Phó Tổng thống Pence đã giúp ích rất nhiều cho chính quyền Trump. Cùng một thông điệp, nhưng trong lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump có cách diễn đạt vấn đề một cách trực diện và dễ gây mất lòng, thì cấp phó của ông lại mềm mỏng và khôn khéo hơn trong từng câu chữ.
Trong buổi gặp mặt với những đối tác, ông Pence đã liên tục gửi lời hỏi thăm của ông Trump đến các bên và chia sẻ rằng Mỹ đánh giá cao sự liên minh của họ. Đây là những lời chia sẻ xã giao nhưng rất khác so với những phát ngôn tự do của Trump.
Ngoài ra, những bài phát biểu của ông Pence thường được chuẩn bị theo phong cách truyền đạt của nước chủ nhà, nhằm tạo dựng mối quan hệ cá nhân. Như ở Nhật Bản, ông chia sẻ về từ “kizuna”, một từ mà ông rất có hứng thú, có nghĩa là sự liên kết hoặc các mối liên kết. Qua đó, ông Pence đã khẳng định lại mối quan hệ mật thiết và sự tôn trọng lẫn nhau của hai cường quốc Mỹ - Nhật. Ông cũng nhắc lại hai chuyến thăm trước đó khi còn là thống đốc và mối liên kết chặt chẽ của hai công ty Nhật nối tiếng Toyota và Honda với bang Indiana.
Trong chuyến thăm tới Hàn Quốc, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng chia sẻ rằng bố của mình đã tham gia chiến tranh Triều Tiên và nhận được Huân chương Ngôi sao Đồng, cách đây đúng 64 năm.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vẫy chào khi chuẩn bị lên máy bay rời Sydney, Australia ngày 24/4 (Nguồn: Reuters) |
Niềm tin và gia đình cũng là một yếu tố quan trọng. Trên tàu sân bay USS Ronald Reagan, Pence chia sẻ rằng Tổng thống Trump, những công dân Mỹ và chính bản thân ông đều rất biết ơn sự hy sinh của họ và trích một câu từ Cuốn sách Roma trong Kinh thánh: “Nếu có nợ thì phải trả, nếu nợ ai danh dự thì phải trả bằng danh dự của mình. Nếu có nợ sự tôn trọng, thì cũng phải trả bằng chính sự tôn trọng đó”.
Tại Indonesia, ông gọi phong cách Hồi giáo của quốc gia này là một “nguồn cảm hứng cho cả thế giới”, một nhận xét nhận được sự đồng cảm từ Tổng thống Widodo. Một ví dụ khác có thể kể đến là trong ngày 20/3, Phó Tổng thống Mỹ Pence đã nói với nhà lãnh đạo Indonesia Widodo rằng, ông và ông Trump rất “tự hào” khi được là đối tác và chia sẻ hy vọng được hợp tác lâu dài cùng Indonesia.
Những buổi chia sẻ mang tính chất gia đình cũng giúp ông Pence xoa dịu mối quan hệ căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull sau cuộc điện thoại “thảm họa” hồi tháng 1 vừa qua. Gia đình ông Turnbull đã đón tiếp ông Pence rất nồng nhiệt khi vợ và hai con gái của Thủ tướng đã tới cùng uống trà sáng tại Sydney. Thậm chí, Phó Tổng thống Mỹ đã được bế Alice, cháu gái 8 tháng tuổi của Thủ tướng Australia.
Về phần mình, ông Pence đã khéo léo chia sẻ với ông Turnbull rằng: “Vợ tôi rất ấn tượng với cháu gái của ông, chúng tôi vẫn chưa có cháu”. Ông Turnbull cũng dành nhiều lời khen cho phu nhân Karen của ông Pence. Những cử chỉ khôn khéo của ông Pence và sự đáp lại nhiệt tình của ông Turnbull được cho là đã “nói lên tình cảm giữa nhân dân hai nước Mỹ và Australia”.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cắt ngắn chuyến thăm châu Á Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã phải cắt ngắn chuyến thăm châu Á của mình, nhanh chóng trở về Washington để xử lý việc cải ... |
Nhật Bản, Mỹ bắt đầu cuộc đối thoại kinh tế cấp cao Ngày 18/4, Nhật Bản và Mỹ đã bắt đầu cuộc đối thoại kinh tế song phương cấp cao để mở đường cho sự hợp tác ... |
Triều Tiên đe dọa sẽ có chiến tranh hạt nhân với Mỹ Căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang khi Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim In-ryong liên tục chỉ ... |