Nhỏ Bình thường Lớn

Mô hình bảo tàng sách độc đáo ở Nga

Đến với Bảo tàng Ex Libris ở thủ đô Moscow (Nga), các em học sinh không chỉ được tham quan và đọc những cuốn sách mà mình yêu thích mà còn được tham dự những khóa học đầy lý thú giúp các em hiểu và yêu văn học hơn...
Cuốn sách nhỏ được ghép từ những bức ảnh sinh động trong bảo tàng Ex Libris.

Sau khi cẩn thận sắp xếp cuốn sách với bìa hoa sặc sỡ lên giá, bà Galina Kitaeva - nhân viên Bảo tàng sách Ex Libris ở thủ đô Moscow (Nga) mỉm cười giới thiệu về cuốn sách. Đó là một cuốn truyện về loài hoa đỏ thắm có kích thước nhỏ gọn trong lòng bàn tay được ghép từ những bức tranh chân dung sinh động của các anh hùng và những mảnh đất thần tiên. Điều đặc biệt cuốn sách do một cô bé chỉ mới 12 tuổi làm ra.

“Những quyển sách đáng yêu này được trình bày và trang trí bởi những em học sinh từ khắp nơi trên nước Nga. Chúng không đơn thuần là những quyển sách mà là những tác phẩm nghệ thuật”, bà Galina chia sẻ.

Bà Galina đã quyết định đến làm việc tại Bảo tàng Ex Libris sau khi nghỉ hưu. Bà đặc biệt say mê công việc ý nghĩa này vì theo bà không gì tuyệt vời hơn là được trò truyện với khách tham quan, đặc biệt là các em nhỏ và học hỏi nhiều điều từ những cuốn sách thú vị. Bà Galina cho rằng mỗi cuốn sách, truyện ở bảo tàng đều rất đặc biệt bởi chúng được các em nhỏ trên khắp nước Nga làm bằng phương pháp thủ công.

Thời gian này, Bảo tàng Ex Libris đang phát động cuộc thi “Câu chuyện thần tiên yêu thích của tôi” dành cho các em nhỏ. Các em sẽ lựa chọn một chương hoặc một câu chuyện cổ tích yêu thích, minh họa bằng hình vẽ hoặc lời thoại, trang trí, đóng bìa và tự làm nên một cuốn sách theo phong cách của riêng mình. Để tạo nên một cuốn sách như vậy không hề đơn giản, thông thường thì các em học sinh phải đọc rất kỹ cuốn truyện đó, đóng vai một nhân vật kể lại truyện, vẽ lại những hình minh hoạ và thêm vào những câu hội thoại.

Giám đốc Bảo tàng Ex Libris, bà Ludmilla Shustrovacho biết: “Hàng năm chúng tôi đều tổ chức một cuộc thi làm sách, truyện dành cho trẻ em trong cả nước. Cuộc thi năm nay đã thu hút các em nhỏ từ 55 vùng trong tổng số 88 vùng, miền thuộc lãnh thổ Nga tham gia”. Bà Ludmilla đánh giá, những cuộc thi như thế này không chỉ đã kích thích khả năng sáng tạo của trẻ em mà còn giúp các em thêm yêu văn học. Sau khi phát động cuộc thi tìm hiểu về nhà văn Anton Chekhov, bà Ludmilla đã nhận được rất nhiều lá thư từ các giáo viên dạy văn với nội dung “Cảm ơn bảo tàng đã khuyến khích trẻ em đọc sách”.

Theo bà Lumilla, chương trình môn văn học trong nhà trường hiện nay phần lớn bị rút gọn rất nhiều. Điều này khiến cho các thầy cô giáo gặp không ít khó khăn trong việc truyền tải những điển tích văn học cổ điển hay những câu chuyện bên lề về tác giả và tác phẩm văn học chỉ trong hai hay ba tiết học. “Những cuộc thi mà chúng tôi tổ chức sẽ giúp các em hiểu rõ hơn về những tên tuổi lớn cũng như những tác phẩm kinh điển trong văn học Nga”, bà Lumilla nói.

Không chỉ hào hứng tham gia các cuộc thi làm sách, truyện, các em nhỏ còn rất háo hức khi được đến tham quan Bảo tàng Ex Libris. Cầm trong tay một hộp thủy tinh chứa những cuốn sách tí hon khắc trên hạt gạo và ngọc trai, bà Ludmilla giới thiệu cách thức các nghệ nhân làm ra chúng với một nhóm các em nhỏ với những cặp mắt tròn xoe đầy ngạc nhiên và thích thú.

Đến với Bảo tàng Ex Libris, các em học sinh còn được tham dự những lớp học đầy lý thú. Các em được nghe hướng dẫn viên kể chi tiết lịch sử ra đời các tác phẩm văn học cũng như tự tay cắt dán một cuốn truyện mà mình yêu thích. Ngoài ra, vào ngày 23/4 hàng năm, để kỷ niệm ngày sách và bản quyền thế giới, bảo tàng cũng mời đại diện của các nhà xuất bản, nhà sách và các tác giả đến giao lưu với các độc giả nhí.

Trong tám năm, bà Ludmilla Shustrova và các cộng sự của mình đã làm việc không mệt mỏi nhằm đưa tình yêu văn học đến với các em học sinh. “Nhiều bảo tàng, nhà sách đã bắt đầu quan tâm và học tập kinh nghiệm của chúng tôi. Thật hạnh phúc khi chúng ta có thể nhân rộng mô hình này để các em có thể hiểu và yêu hơn môn văn học”, bà Tatiana Gubina, một nhân viên Bảo tàng chia sẻ.

Diễn Tú (Theo Tân Hoa Xã)