Thành công vang dội của tập đoàn bán lẻ trực tuyến Alibaba là câu chuyện về kinh doanh mà nhiều người đang nói đến. Câu chuyện của Alibaba cũng cho thấy người tiêu dùng đang dần thay đổi thói quen mua sắm. Thay vì đến những cửa hàng truyền thống, giờ đây chỉ với chiếc điện thoại thông minh, họ đã có thể mua sắm một cách nhanh chóng.
Theo một bức thư của Tập đoàn Alibaba nhằm mời gọi các nhà đầu tư, Chủ tịch Hội đồng quản trị Jack Ma đã đưa ra kế hoạch về việc ứng dụng mô hình kinh doanh trên phạm vi toàn cầu. Căn cứ vào lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng, khả năng phát triển mô hình kinh doanh như Alibaba ở Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở.
Nhà đồng sáng lập Alibaba, tỷ phú Jack Ma. (Nguồn: Wall Street Journal) |
Thị trường nhiều triển vọng
Một là, cùng với xu hướng phát triển mới của ngành thương mại dịch vụ trên thế giới, Việt Nam cũng đã thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng đối với lĩnh vực tiềm năng nhưng cũng nhiều rủi ro này bằng việc thiết lập nền tảng thương mại điện tử của riêng mình và hiện đã đạt quy mô tương đối lớn. Năm 2014, kim ngạch thương mại điện tử tại Việt Nam đạt 2,9 tỷ USD, chiếm 2,12% trong tổng kim ngạch bán lẻ của Việt Nam. Năm 2015, quy mô đã tăng lên 4 tỷ USD, tỷ lệ tăng trưởng vượt xa so với tỷ lệ tăng trưởng của GDP. Đặc biệt, với số lượng người sử dụng mạng Internet đạt hơn 30 triệu người, sự phát triển nhanh chóng của mạng Internet, điện thoại thông minh 3G và những cơ sở hạ tầng liên quan đã giúp cho thương mại điện tử của Việt Nam trở thành một nền công nghiệp mới nổi.
Hai là, thương mại điện tử tại Việt Nam được nhận định là có tiềm năng phát triển tương đối lớn và cũng là lĩnh vực sẽ thu hút lượng vốn đầu tư lớn. Thị trường Việt Nam hiện nay chủ yếu là những doanh nghiệp bán lẻ nội địa. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp quốc tế hàng đầu về thương mại điện tử đã bắt đầu quan tâm và tìm cách thâm nhập vào thị trường của Việt Nam, đặc biệt phải kể đến công ty Lazada, nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu châu Á có trụ sở tại Singapore.
Ba là, Chính phủ Việt Nam đã nhận ra tầm quan trọng của thương mại điện tử cũng như việc tăng cường quản lý và quy phạm sẽ giúp lĩnh vực này phát triển. Chính phủ đã ban hành một loạt các chính sách trong nỗ lực quy phạm hóa các nền tảng thương mại điện tử và bảo vệ môi trường kinh doanh. Ví dụ, tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã ban hành kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020, bao gồm việc thiết lập hệ thống quy định pháp lý nhằm thúc đẩy thương mại điện tử và tăng tỷ lệ người mua trên mạng Internet cũng như kim ngạch mua bán trên mạng Internet.
Bốn là, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) – Hiệp định mà Việt Nam cùng 11 nước thành viên khác ký kết - có thể giúp cho Việt Nam tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại với các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật và chắc chắn sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử cũng như đem lại động lực mới cho cả nền kinh tế. TPP được đánh giá là một hiệp định mang tính bước ngoặt, sẽ làm thay đổi cuộc chơi trong nền kinh tế thương mại Việt Nam và quốc tế. Với những tiềm năng phát triển quan hệ kinh tế thương mại thông qua TPP, nền tảng thương mại điện tử dựa trên mô hình của Alibaba ở Việt Nam rất có triển vọng phát triển.
Khả năng phát triển mô hình kinh doanh như Alibaba ở Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở. (Nguồn: Mak Digital Design) |
Những thách thức có thể gặp phải
Tuy nhiên, quá trình xây dựng mô hình kinh doanh như Alibaba ở Việt Nam sẽ không dễ dàng. Hiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn còn tồn tại một số điểm yếu.
Thứ nhất, Việt Nam chưa có hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn hảo, đây là một thách thức trong việc thiết lập chuỗi dịch vụ online - to - offline cũng như xây dựng một hệ thống kho vận nhất thể hóa (integrated logistics network) trong một thời gian ngắn.
Thứ hai, mức sử dụng Internet di động của Việt Nam còn kém phát triển hơn các nước khác do vấn đề kỹ thuật và tính tin cậy. Nhiều người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn lo ngại về hình thức thanh toán qua mạng. Trong khi đó, nhiều công ty thương mại điện tử vẫn duy trì hình thức buôn bán truyền thống và chưa xây dựng phần mềm ứng dụng di động của riêng mình.
Thứ ba, những doanh nghiệp thương mại điện tử lớn nhất hiện nay không phải là doanh nghiệp nội địa. Do đó, nếu những doanh bán lẻ trực tuyến Việt Nam muốn chiếm ưu thế thì cần phải nỗ lực tăng cường các mặt như chất lượng sản phẩm, kỹ thuật công nghệ, giám sát trang website, mô hình kinh doanh và chiến lược thị trường nhằm hiểu hơn người tiêu dùng bản địa và giành được sự chú ý và tin cậy của họ.
Hiện nay, một số doanh nghiệp quốc tế hàng đầu về thương mại điện tử như Alibaba, eBay, Amazon và Lotte đã bắt đầu hoạt động tại Việt Nam và một số trong số họ đã có quan hệ đối tác chiến lược với các công ty nội địa. Với việc tận dụng những lợi thế của riêng mình, học hỏi từ các “gã khổng lồ” về thương mại điện tử khác, kết hợp với sự ủng hộ từ Chính phủ và hợp tác với các công ty thương mại điện tử ở Đông Nam Á, thì mô hình Alibaba nhiều khả năng sẽ thành công ở Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp Trung Quốc vẫn cần thận trọng và rút kinh nghiệm từ bài học của công ty thương mại điện tử Trung Quốc Vancl.com từng mở một trang website dành cho người tiêu dùng Việt Nam vào năm 2012 nhưng đã thất bại.
Do đó, trước khi doanh nghiệp Trung Quốc vào thị trường Việt Nam để triển khai thương mại điện tử thì cần tiến hành nghiên cứu và phân tích tổng hợp kỹ càng. Họ cần phải hiểu môi trường vận hành tổng thể, nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng và tính cạnh tranh ở Việt Nam. Bên cạnh việc phải đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm và dịch vụ, những hỗ trợ kỹ thuật online và các biện pháp quy phạm hóa cũng cần được áp dụng vào trong hạ tầng offline và quá trình giao nhận hàng. Nếu đáp ứng được các điều này thì mô hình Alibaba chắc chắn có thể phát triển và gặt hái nhiều thành công tại Việt Nam.