Nhỏ Bình thường Lớn

Mobile Money - Giải pháp quan trọng đối với Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia của Việt Nam

Mobile Money được kỳ vọng sẽ trở thành hoạt động thiết yếu hàng ngày, tạo nên sự thay đổi, nâng cấp trong xã hội, giảm khoảng cách giữa khu vực thành thị và nông thôn ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu ấy, Chính phủ cần có những giải pháp đồng bộ và thiết thực, để biến dư địa “sỏi đá” thành mảnh đất “màu mỡ”.

OPay là câu chuyện khởi nghiệp thành công ở châu Phi nhờ vào Mobile Money. (Nguồn: Getty)
OPay là câu chuyện khởi nghiệp thành công ở châu Phi nhờ vào Mobile Money. (Nguồn: Getty)

Câu chuyện thành công ở châu Phi

Trên thế giới, Mobile Money đã được triển khai tại nhiều quốc gia với các mức độ thành công khác nhau. Tại châu Phi, hai trong số những câu chuyện khởi nghiệp (startup) lớn nhất năm 2021 là việc định giá hàng tỷ USD dành cho OPay và Wave.

Phát triển nhờ dòng vốn của các nhà đầu tư Mỹ và Trung Quốc, hai startup này nhanh chóng có được thị phần lớn ở mảng dịch vụ tài chính tại Nigeria và Senegal vì tận dụng được cơ hội do Mobile Money mang lại.

OPay và Wave chỉ là hai trong số nhiều công ty đứng sau hoạt động thúc đẩy dịch vụ Mobile Money của châu Phi hạ Sahara, làm nền tảng cho một hệ sinh thái tạo ra giá trị giao dịch 13 tỷ USD mỗi tháng, cao hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới ở loại hình thanh toán này.

Theo Hiệp hội các nhà khai thác di động toàn cầu (GSMA), 64% trong số 1,2 tỷ USD giá trị giao dịch hàng ngày thông qua các nền tảng Mobile Money trong năm 2020 được thực hiện ở khu vực châu Phi hạ Sahara.

Ít nhất 11 quốc gia ở châu Phi hạ Saraha có từ 5 dịch vụ Mobile Money trở lên đang được khai thác. Hơn một nửa trong số số 310 dịch vụ Mobile Money đang hoạt động trên thế giới là ở châu Phi.

Những số liệu nói trên cho thấy khu vực châu Phi hạ Sahara là cực kỳ màu mỡ dành cho các nhà đầu tư đang muốn hưởng lợi từ các thị trường tài chính đang phát triển.

Sức hút với nhiều nước đang phát triển

Lý giải sức hút của Mobile Money, các chuyên gia cho rằng với việc tiếp cận dễ dàng đã khiến Mobile Money trở thành một giải pháp hữu ích ở những khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa trên thế giới, nơi không có bất kỳ chi nhánh ngân hàng nào hoạt động.

Mobile Money có thể được nhận, lưu trữ, chi tiêu từ tài khoản trên điện thoại di động của bất cứ ai, ở bất cứ đâu có tín hiệu điện thoại di động mà không cần thông qua bất kỳ người trung gian nào.

Việc chuyển Mobile Money cũng không đòi hỏi người sử dụng phải điền tờ mẫu, xếp hàng chờ đợi tại ngân hàng. Chi phí lại “mềm” hơn rất nhiều so với việc sử dụng dịch vụ của ngân hàng truyền thống.

Bên cạnh đó, một số giao dịch bằng thẻ tín dụng (credit card) hay thẻ ghi nợ (debit card) có thể sẽ phải chịu hạn mức tùy theo loại thẻ của ngân hàng cung cấp, nhưng với Mobile Money, hạn mức có thể là tối đa số tiền người sử dụng có trong tài khoản.

Một tiện ích khác của Mobile Money cũng rất quan trọng, đó là sự an toàn. Thay vì “vác cả bao tải tiền” để đi chợ mua sắm, với Mobile Money, người dùng sẽ được bảo vệ bởi ứng dụng mã hóa thông qua mật khẩu và mã PIN có tính bảo mật cao.

Trong trường hợp bị mất điện thoại, người sử dụng chỉ cần gọi đến công ty cung cấp dịch vụ để thông báo, thay thế điện thoại và SIM, sau đó tiếp tục truy cập vào tài khoản bình thường.

Mobile Money - Giải pháp quan trọng đối với Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia của Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)
Việc phát triển Mobile Money ở Việt Nam đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ. (Nguồn: TTXVN)

Nhiều việc phải làm

Từ ngày 9/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm Mobile Money. Thủ tướng đồng ý cho các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán Ví điện tử và Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần vô tuyến điện hoặc các công ty con được phép tham gia thí điểm.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 kéo dài, bất đắc dĩ cũng trở thành điều kiện “vàng” để ngành tài chính đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và thay đổi thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng, trong cả 2 quyết định về Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ, Mobile Money được xem là giải pháp nhằm triển khai dịch vụ tài chính, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa...

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, việc phát triển Mobile Money hay các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.

Dẫn số liệu của FIS Global Payment, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, tại Việt Nam, phương thức trả tiền mặt trong thương mại điện tử vẫn đang chiếm cao nhất tới 28%, chuyển khoản là 26%, ví điện tử 21% và thẻ tín dụng là 14%.

Trong khi đó, trung bình trên thế giới, thanh toán qua hình thức ví điện tử chiếm tỷ trọng lớn nhất đạt 44,5%, tiếp theo là thẻ tín dụng với 22,8%.

Điều quan trọng nhất hiện nay là cần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân thông qua các chương trình giáo dục tài chính như là một trụ cột trong thực hiện chiến lược phát triển tài chính toàn diện.

Mặt khác, để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế số, Chính phủ số; trong đó, có lĩnh vực tài chính – tiền tệ số.

Ngoài ra, cần tiếp tục nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, hạ tầng số tại các vùng xa xôi hẻo lánh, nâng cao nhận thức và tăng niềm tin của người tiêu dùng. Đồng thời, phát triển hệ thống ngân hàng mở, hệ sinh thái, trong đó cần có sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa ngân hàng thương mại – Fintech – Trung gian thanh toán.

Mobile Money hay còn gọi là tiền di động, là dịch vụ cho phép dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các hàng hoá, dịch vụ có giá trị nhỏ. Về cơ bản, dịch vụ Mobile Money cung cấp cho khách hàng một tài khoản gắn liền với thuê bao di động.
Thanh toán không tiền mặt tăng trưởng vượt bậc

Thanh toán không tiền mặt tăng trưởng vượt bậc

Thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng mạnh trong thời gian qua, trở thành xu thế tất yếu của cuộc CMCN 4.0 và phù ...

Những ai có thể sử dụng dịch vụ Mobile Money?

Những ai có thể sử dụng dịch vụ Mobile Money?

TGVN. Không phải mọi chủ sở hữu thuê bao di động đều có thể sử dụng dịch vụ Mobile Money. Khách hàng cần phải đáp ...

Tin cũ hơn