“Nhà vua và Hoàng hậu được tận mắt chứng kiến những thành quả của sự hợp tác, giao lưu nhiều mặt giữa Việt Nam và Nhật Bản” - Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường.
Chuyến thăm lần đầu tiên tới Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu rất được chú ý cả ở trong và ngoài Nhật Bản, diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp. Đại sứ có thể chia sẻ ý nghĩa cũng như kỳ vọng về chuyến thăm đối với quan hệ song phương?
Việt Nam và Nhật Bản đã thiết lập quan hệ ngoại giao được 44 năm và đây là lần đầu tiên Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản tới Việt Nam. Bản thân việc đó đã nói lên tầm quan trọng của chuyến thăm.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường. |
Nhà vua là biểu tượng của Nhà nước và khối đoàn kết dân tộc ở xứ sở Mặt trời mọc. Vì lẽ đó, chuyến thăm có tính chất lịch sử của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản tới Việt Nam lần này sẽ là cột mốc hết sức quan trọng, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của quan hệ ngày càng gần gũi, thân thiện hơn trong tất cả các lĩnh vực giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Việc chuẩn bị chương trình chuyến thăm Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu được hai nước trao đổi kỹ lưỡng với mong muốn để Nhà vua và Hoàng hậu có dịp tìm hiểu kỹ hơn về đất nước và con người,về lịch sử, truyền thống và văn hóa Việt Nam, cũng như để Nhà vua và Hoàng hậu được tận mắt chứng kiến những thành quả của sự hợp tác, giao lưu nhiều mặt giữa Việt Nam và Nhật Bản, trong đó có những công trình cơ sở hạ tầng quan trọng được xây dựng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản.
Chúng ta cũng hy vọng rằng qua tin tức về chuyến thăm, người dân Nhật Bản cũng biết nhiều hơn về đất nước và người dân Việt Nam.
Đại sứ có thể chia sẻ tình cảm, ấn tượng về Nhà vua và Hoàng hậu? Cảm nhận của Đại sứ về tình cảm mà Nhà vua và Hoàng hậu dành cho Việt Nam?
Tôi có vinh dự được một số dịp trực tiếp yết kiến Nhà vua và Hoàng hậu, từ khi trình Quốc thư (7/2015), đã được Nhà vua và Hoàng hậu mời dự tiệc trà hay trong các ngày lễ lớn của Nhật Bản. Gần đây nhất, tôi và vợ tôi lại có vinh hạnh rất lớn là được mời vào Hoàng cung ăn trưa và có những trao đổi rất ấm áp, thân tình.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Nhà vua Akihito duyệt đội danh dự. (Ảnh: TTXVN) |
Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản là những người rất đáng kính, nhân từ và ân cần. Tôi cũng nhớ mãi hình ảnh Nhà vua và Hoàng hậu đã đến tận nơi thăm hỏi, ngồi xuống trò chuyện với những người dân bị mất nhà, cửa sau trận động đất ở Kumamoto. Hoàn toàn không thấy sự cách biệt với người dân bình thường.
Đối với Việt Nam, Nhà vua và Hoàng hậu cho biết ông bà đều rất mong chờ chuyến thăm Việt Nam lần này. Trước đây, Hoàng Thái tử và Thái tử Nhật Bản cũng đã thăm Việt Nam. Khi quay trở về, họ đều chia sẻ những kỷ niệm về đất nước và con người Việt Nam với Nhà vua và Hoàng hậu.
Tôi cảm nhận Nhà vua và Hoàng hậu cũng hiểu nhiều về lịch sử Việt Nam. Người cũng đã tìm hiểu về các triều Vua Nguyễn kéo dài 143 năm ở Việt Nam (1802-1945). Bản thân Nhà vua cũng là một nhà nghiên cứu khoa học, ông đã nghiên cứu những giống cá khác nhau, trong đó có giống cá bống trắng mới trên thế giới tại một nhánh sông Cần Thơ. Ông đã gửi tặng tiêu bản mẫu cá bống này cho Bảo tàng Động vật trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Bảo tàng Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên) năm 1974.
Nhà Vua và Hoàng hậu cũng biết rất rõ sự kiện nhà sư Phật Triết của Việt Nam đã sang biểu diễn Nhã nhạc tại Nara từ thế kỷ thứ 8, mở đường cho giao lưu văn hóa, con người giữa hai nước từ cách đây hơn 1300 năm.
Nhà Vua cũng hỏi tôi về Chủ tịch Hồ Chí Minh và tỏ rất quan tâm khi tôi kể với Nhà Vua và Hoàng hậu con đường đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ, về tập Nhật ký trong tù với những câu thơ như "thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao, muốn lên sự nghiệp lớn, tinh thần càng phải cao"...
Tôi rất cảm động khi cả Nhà vua và Hoàng hậu đều hỏi thăm đến cuộc sống của cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản, đến giao lưu thế hệ trẻ, các cháu lưu học sinh, thực tập sinh và lao động Việt Nam ở Nhật Bản.
Sau bữa trưa, Nhà vua và Hoàng hậu còn ân cần tiễn chúng tôi ra đến tận cửa. Có lẽ đó là những kỷ niệm không bao giờ quên được. Đối với tôi, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản là những nhân cách lớn, hiểu biết rộng và rất đáng kính.
Chỉ trong vòng hai tháng có hai chuyến thăm cấp cao nhất của Nhật Bản đến Việt Nam, theo Đại sứ điều này có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ song phương?
Đúng như vậy, tháng Một vừa qua chúng ta đã đón Thủ tướng Shinzo Abe quay trở lại Việt Nam sau bốn năm. Một tháng sau, chúng ta vô cùng vui mừng đón Nhà vua và Hoàng hậu tới thăm. Lãnh đạo Quốc hội Nhật Bản cũng dự kiến tới thăm Việt Nam trong năm nay. Có thể nói là các lãnh đạo cao nhất của Nhật Bản đều có kế hoạch thăm Việt Nam trong năm 2017 này.
Về phía ta, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ có chuyến thăm chính thức Nhật Bản trong năm nay.
Trong năm, sẽ còn nhiều đoàn trao đổi giữa các bộ, ngành, các địa phương của hai nước, giữa các doanh nghiệp của cả hai bên như đoàn gần 100 doanh nghiệp lớn của Nhật Bản thăm Việt Nam do Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản dẫn đầu vào cuối tháng 1 vừa qua.
Có thể nói, năm 2017 là năm đặc biệt trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản. Chắc chắn những chuyến thăm trên sẽ góp phần đưa quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản phát triển theo chiều sâu và có hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.
Tôi tự hào khi được cử làm Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản trong thời điểm quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp nhất. Hiện nay, giữa hai nước còn rất nhiều tiềm năng hợp tác. Với tôi, cũng như với tập thể cán bộ Đại sứ quán và hai Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nhật Bản, chúng tôi rất phấn khởi được đóng góp phần hết sức nhỏ bé của mình, làm cầu nối thúc đẩy quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực. Niềm vui lớn, nhưng trách nhiệm cũng rất lớn. Chúng tôi tự nhủ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để góp phần biến những cơ hội, những tiềm năng trong quan hệ hai nước thành hiện thực trong những năm tới.
Hoàng gia Nhật ngày càng quan tâm đến Việt Nam Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam (28/2-5/3), ngày đầu tiên ở Hà Nội của Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko đã diễn ra với nhiều hoạt động. Ngay sau Lễ đón chính thức, sáng 1/3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đã hội kiến với Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản. Sau đó, Nhà vua và Hoàng hậu đã đến đặt vòng hoa và viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Buổi chiều, Nhà vua và Hoàng hậu hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Lịch sử giao lưu giữa nhân dân hai nước đã có từ thế kỷ thứ VIII, khi Đại sư Phật Triết của Việt Nam sang Nhật Bản để giao lưu Phật giáo, âm nhạc và các thuyền buôn của thương gia Nhật Bản tới phố cảng Hội An để giao thương (thế kỷ XVI - XVII) cùng những tương đồng về văn hóa là cơ sở cho những bước phát triển nhanh chóng giữa Việt Nam và Nhật Bản hơn 40 năm qua; minh chứng rõ cho khả năng gắn kết bền chặt của hai nước trong tương lai. Chỉ một chi tiết nhỏ như tà áo dài màu tím của Phu nhân Chủ tịch nước có thêu hoa anh đào - loài hoa xứ sở Mặt trời mọc, phải chăng, vì thế đã được Nhà vua và Hoàng hậu tinh ý nhận ra và đánh giá rất cao. Ông Hatsuhisa Takashima, Thư ký báo chí của Nhật hoàng, Trợ lý đặc biệt của Ngoại trưởng Nhật, trao đổi với báo chí tại Hà Nội chiều ngày 1/3 rằng các thành viên Hoàng gia Nhật ngày càng quan tâm và mong muốn tìm hiểu hơn nữa về văn hoá, lịch sử Việt Nam. Ông nhắc đến chuyến thăm Việt Nam của Thái tử Naruhito năm 2009 và chuyến thăm của Hoàng tử Akishino hồi năm 2012. Những món quà như: tiêu bản gà đuôi dài do Hoàng tử Akishino tặng, tiêu bản cá bống trên sông Cần Thơ do Nhà vua phát hiện và nghiên cứu vẫn được lưu giữ tại Bảo tàng Sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội từ đó đến nay. |