Nhưng không chỉ có những thành phố này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khẳng định rằng 92% dân số đô thị trên thế giới hiện đang phải sống trong bầu không khí độc hại.
Tại Ấn Độ, một nghiên cứu cho thấy rằng 41 thành phố tại nước này với hàng triệu dân đang phải đối mặt với chất lượng không khí "xấu" trong gần 60% tổng số ngày được khảo sát. Ba thành phố - Gwalior, Varanasi và Allahabad tại Ấn Độ - thậm chí không có ngày nào được đánh giá là có chất lượng không khí tốt.
Không khí ở nhiều thành phố ô nhiễm nghiêm trọng do khí thải công nghiệp. (Nguồn: National Geographic) |
Tại lục địa châu Phi, không khí ô nhiễm được xác định là nguyên nhân gây ra 712.000 ca tử vong ở trẻ em - nhiều hơn số ca tử vong do sử dụng nước không an toàn (542.000 ca), suy dinh dưỡng trẻ em (275.000 ca) và điều kiện vệ sinh thấp kém (391,000 ca).
Ở châu Âu, các nghiên cứu cho thấy rằng khoảng 85% dân số đô thị từng tiếp xúc với chất độc hại dạng hạt bụi nhỏ – loại vật chất này chịu trách nhiệm gây ra khoảng 467.000 ca tử vong trẻ em ở 41 quốc gia châu Âu.
Mối nguy hại cho sức khỏe
Các tác động đến sức khỏe của ô nhiễm không khí được ghi lại đầy đủ. Hiện nay, có các bằng chứng cho thấy có mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí với bệnh mất trí nhớ và bệnh Alzheimer, do tiếp xúc với không khí chất lượng kém tương đương với việc hấp thụ một cách thụ động khói của sáu điếu thuốc lá mỗi ngày.
Không chỉ có vậy, không khí độc hại còn được quy cho là thủ phạm gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường bộ, do các chất ô nhiễm trong không khí làm người lái xe mất tập trung, gây chảy nước mắt, hắt hơi, ngứa mũi…
Những người nghèo, người già, trẻ em, và những người kém may mắn thường là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của chất lượng không khí kém. Ô nhiễm không khí chịu trách nhiệm cho cái chết của 600.000 trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm trên toàn thế giới.
Tại London, những người nghèo bao gồm người da đen gốc Phi và người gốc Caribe tiếp xúc với mức nitrogen dioxide ở nơi họ sống cao hơn 15,3% so với dân số sống trong những khu vực khác của thành phố (13,3%). Lý do là nơi họ sống là những khu vực có cơ sở hạ tầng kém hơn.
Những người nghèo với điều kiện sống thấp thường là nạn nhân của ô nhiễm không khí. (Nguồn: WB) |
Ô nhiễm không khí cũng ảnh hưởng đến khí hậu, tác động xấu đến nguồn nước và hệ sinh thái. Hạt carbon đen là một loại hạt vật chất được tạo ra thông qua việc đốt các nhiên liệu hóa thạch (như dầu diesel, than đá). Ngoài ảnh hưởng tới sức khỏe con người, loại hạt này gây ra sự tan chảy băng ở vùng núi Himalaya và cao nguyên Tây Tạng. Hạt carbon đen nhỏ li ti đọng trên tuyết và băng làm tối bề mặt băng tuyết, dẫn đến sự hấp thu ánh sáng Mặt Trời nhiều hơn, làm băng tan chảy nhanh hơn.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho biết rằng chi phí kinh tế toàn cầu của các ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí lên tới 225 tỷ USD vào năm 2013.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán rằng chi phí chăm sóc sức khỏe liên quan đến ô nhiễm không khí toàn cầu sẽ tăng từ 21 tỷ USD năm 2015 lên tới 176 tỷ USD vào năm 2060.
Nỗ lực giải quyết
Tuy vậy, không phải tất cả các tin tức đều là tin xấu: 74 thành phố lớn của Trung Quốc có nồng độ trung bình hàng năm của các hạt bụi, sulfur dioxide và nitrogen dioxide, giảm xuống dần từ năm 2014 mặc dù "cuộc chiến chống ô nhiễm không khí" của chính phủ Trung Quốc bị chỉ trích.
Các nước đã tìm ra một số cách thức sáng tạo nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí. Chính quyền London thả chim bồ câu được trang bị cảm biến bay lên trời, thông tin được các cảm biến này ghi lại sẽ được kết nối vào tài khoản Twitter mà người dân đã đăng ký, để thông tin nhanh cho họ về những khu vực có không khí bẩn quá mức cho phép trong thành phố.
Các cải tiến khác bao gồm sự phát triển các mặt nạ chống ô nhiễm không khí, và việc xây dựng một tháp cao ở Bắc Kinh (Trung Quốc) có tác dụng hút chất gây ô nhiễm từ không khí bẩn.
Một phụ nữ Trung Quốc đeo khẩu trang khi ra đường. (Nguồn: AP) |
Hiện đã có nhiều dự án quan trắc chất lượng không khí thu hút các công dân tham gia như dự án "Vùng không khí sạch" ở Bắc Carolina, Mỹ, nơi người dân có thể tham gia đo lường chất lượng không khí.
Trong khi đó, các nghệ sĩ ở London mở các chiến dịch tuyên truyền công chúng, nhằm cảnh báo giới trẻ về những ảnh hưởng của chất lượng không khí kém.
Năm nay Chương trình nghị sự Đô thị mới, các Mục tiêu Phát triển bền vững và Chiến dịch Hơi thở Cuộc sống của Liên hợp quốc đều kêu gọi hành động để cải thiện chất lượng không khí đô thị và tạo ra nhiều lợi ích cho xã hội, môi trường và kinh tế.
Các thành phố Paris, Mexico City, Madrid và Athens đã cam kết sẽ loại bỏ tất cả các xe ô tô sử dụng diesel vào năm 2025, đồng thời khuyến khích việc đi bộ và đi xe đạp.
Năm 2016 đã cho thấy chất lượng không khí kém là một tai họa của các nước phát triển và đang phát triển - và nó đòi hỏi phải hành động ngay lập tức. Cần làm sạch không khí để bảo vệ sức khỏe con người!