📞

Mối nguy từ những ngư cụ bị vứt bỏ xuống biển

19:35 | 15/04/2016
Những ngư cụ bị vứt bỏ xuống biển, gồm các loại bẫy bắt cua và các loại lưới, biến thành rác dưới đáy đại dương ở các vùng ven biển trên toàn thế giới. 
Một con cua biển bị mắc kẹt và chết trong một bẫy cua cũ. (Nguồn: WP)

Chính những thứ bị bỏ đi này đã tiếp tục khiến nhiều loại cá, cua và các sinh vật biển khác bị mắc kẹt vào và chết do bị đói hoặc kiệt sức.

Các chính phủ, các tập đoàn và công ty trên khắp thế giới đang tham gia vào các nỗ lực để thu nhặt và tái chế càng nhiều càng tốt các ngư cụ bị bỏ rơi này. Mục đích là để bảo vệ môi trường, giảm thiểu đe dọa sinh mạng các loài sinh vật biển và loại trừ các mối đe dọa có thể xảy ra cho tàu thuyền.

Ông Pascal van Erp, một thợ lặn người Hà Lan, người từng cảm thấy “kinh hoàng” bởi số lượng các dụng cụ đánh bắt cá bị vứt bỏ mà ông đã gặp phải, vừa thành lập Quỹ dọn rác biển nhằm giải quyết vấn đề này.

"Những rác thải này gây ra những vấn đề rất lớn", ông nói. "Chúng có mặt ở tất cả các vùng biển và đại dương dưới tất cả các độ sâu khác nhau, một số nằm ẩn dưới cát đáy biển. Tôi nghĩ rằng vấn đề không bao giờ có thể được giải quyết triệt để, nhưng chúng ta có thể ngăn nó trở nên tồi tệ hơn bằng cách làm cho công chúng và các nhà chức trách nhìn ra vấn đề".

Ngay từ khi con người mới biết đánh bắt cá, đã có nhiều ngư cụ bị vứt bỏ trên biển, nhưng vấn đề đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng trong những thập kỷ gần đây với những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ và việc mở rộng đội tàu đánh bắt trên toàn cầu.

Các chuyên gia ngành công nghiệp đánh bắt thủy sản và các nhà khoa học ước tính rằng ngư dân mất khoảng 10% bẫy và lưới do thời tiết xấu. Một số ngư cụ cũ cũng bị ngư dân cố tình ném bỏ xuống biển. Sau đó các luồng hải lưu cuốn chúng đến những vùng biển rất xa xôi.

Một báo cáo của Liên hợp quốc gần đây ước tính có tới 640.000 tấn lưới đánh cá bị vứt bỏ hiện đang nằm dưới đáy đại dương trên toàn thế giới. Báo cáo cho thấy 2.005 tàu thuyền đánh bắt cá ở Greenland làm mất trung bình 15 chiếc lưới mỗi ngày. Kết quả một nghiên cứu năm 2001 cũng cho biết, các ngư cụ bị bỏ đi đã giết chết 4 triệu con cua xanh mỗi năm ở vùng biển nước Mỹ.

Theo ông John Wnek, thuộc Học viện Khoa học và Công nghệ Môi trường Biển New Jersey (Mỹ), để ngăn chặn tình trạng này, ngư dân nên sử dụng các loại vật chất và đinh vít dễ phân hủy làm bẫy cua, để chúng có thể tự phân hủy. Nhiều điều ước quốc tế cũng đã có quy định cấm vứt các trang thiết bị đánh cá xuống biển, ông John Wnek cho biết.

(theo Washington Post)