Hoàng đế Thành Cát Tư Hãn đã qua đời gần 800 năm. (Nguồn: BBC) |
Thành Cát Tư Hãn (Genghis Khan) sinh năm 1162, mất năm 1227, là người sáng lập ra Đế quốc Mông Cổ. Ông được đánh giá là vị Hoàng đế vĩ đại, một trong những nhà quân sư lỗi lạc có tầm ảnh hưởng nhất lịch sử thế giới.
Cuộc chinh phạt của ông diễn ra trên khắp lãnh thổ châu Á - châu Âu để bành trướng lãnh thổ, lập nên đế chế Mông Cổ khổng lồ trải dài từ Thái Bình Dương tới Ukraine ngày nay tới hàng chục triệu km2.
Sau khi qua đời, ông yêu cầu được chôn cất bí mật. Theo tương truyền, đội quân đưa tang mang di hài của người thủ lĩnh tới nơi an nghỉ cuối cùng và điều khiển đàn ngựa 1.000 con xóa bỏ toàn bộ dấu vết còn sót lại trên ngôi mộ.
Gần 800 năm trôi qua kể từ khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, không một ai tìm được dấu tích về nơi ông đã nằm xuống.
Những bí ẩn về ngôi mộ của vị Hoàng đế này từ lâu đã trở thành mục tiêu tìm kiếm của các nhà khảo cổ học, các nhà nghiên cứu.
Nếu lăng mộ được tìm thấy sẽ được coi là phát kiến khảo cổ lớn của nhân loại, qua đó, giới chuyên gia sẽ tìm hiểu được nguyên nhân cái chết của ông. Đồng thời, cũng sẽ mang ý nghĩa không nhỏ với đất nước Mông Cổ.
Vậy nhà quân sư này được chôn cất ở đâu? Liệu ông có sở hữu mộ phần hoành tráng như kim tự tháp được xây nên để phục vụ các Pharaoh Ai Cập cổ đại, hay lăng mộ chứa hàng nghìn chiến binh đất nung và đồ tạo tác như Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc Tần Thủy Hoàng hay không?
Câu trả lời là, đến nay vị trí lăng mộ Thành Cát Tư Hãn vẫn chưa được tìm thấy, thậm chí vẫn sẽ là một bí mật trong thời gian tới. Nhiều người dân Mông Cổ vẫn mong nơi yên nghỉ của vị vua này sẽ là một bí ẩn.
Rất nhiều luồng ý kiến đưa ra về vấn đề này. Trong đó, một khả năng, ông được chôn cất tại tỉnh Khentii phía Đông Mông Cổ, nơi ông ra đời. Nancy Steinhardt, Giáo sư Nghệ thuật Đông Á ở Bảo tàng Pennsylvania thuộc Đại học Pennsylvania, suy đoán ngôi mộ nằm ở vùng núi của tỉnh Khentii.
Những nguồn tin đương thời hầu như không có thông tin gì về lăng mộ. Trong nghiên cứu được công bố năm 2021 trên tạp chí PLOS One, không tài liệu lịch sử hoặc khảo cổ nào mô tả về hình dáng ngôi mộ.
Các nhà khoa học đã dùng ảnh vệ tinh phục vụ việc tìm kiếm. Kết quả khảo sát cho ra một loạt các tàn tích, nhưng không thấy mộ vị Hoàng đế này xuất hiện.
Trong Mông Cổ bí sử, một tài liệu cổ ghi chép ẩn danh của người Mông Cổ có niên đại sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, không hề đề cập tới lăng mộ của ông. Tài liệu này chỉ nói rằng, vào năm 1227, ông đã lên "thiên đàng".
Tuy nhiên, văn bản này có nhắc tới việc Thành Cát Tư Hãn rất chú ý tới Burkhan Khaldun, một ngọn núi linh thiêng ở tỉnh Khentil. Thời trẻ, ông từng dựa vào thế núi này để chạy trốn kẻ thù. Bởi vậy, nhiều học giả nghi ngờ ông được chôn tại đó. Nhưng tới nay, các nhà khảo cổ vẫn chưa phát hiện được dấu vết khả nghi của ngôi mộ.
Trước khi qua đời ở tuổi 67, Thành Cát Tư Hãn đang chỉ huy binh lính trong trận chiến chống lại các nhóm người tại khu vực thuộc vùng Tây Bắc Trung Quốc ngày nay.
Nhà lịch sử học Frank McLynn trong cuốn Thành Cát Tư Hãn - Người chinh phục thế giới cho biết, binh lính rất khó mang thi thể ông về Mông Cổ. Đó là vị trí cách biên giới Mông Cổ 500km.
Khi đó, họ không biết kỹ thuật ướp xác và có thể buộc phải chôn cất ở nơi khác vì không kịp đưa về Mông Cổ trước khi thi thể bị phân hủy. "Có thể hài cốt và lăng mộ của ông nằm ở khu vực Ordos thuộc vùng Tây Bắc Trung Quốc", nhà lịch sử học McLynn viết.
| Pháp: Phát hiện hài cốt công chúa cổ đại cách đây 2.800 năm Nhóm khảo cổ đã tìm thấy bộ hài cốt được cho là của một công chúa cổ đại với nhiều món trang sức quý đặt ... |
| Tìm thấy hai bức tượng Phật cổ bằng đồng, lâu đời nhất tại Trung Quốc Hai bức tượng Phật cổ nhất vừa được tìm thấy tại tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc có niên đại lên tới 2.200 năm. |