Nhiều dự án hợp tác kinh tế
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, tổ chức tài chính lâu đời nhất nước này, dự kiến sẽ mở chi nhánh đầu tiên ở Morocco vào năm nay, nhằm tìm cách tham gia các thị trường châu Phi khác từ Casablanca. Casablanca là thành phố lớn nhất Morocco, được công nhận là trung tâm tài chính quan trọng của châu Phi. Năm nay, Casablanca đã vượt thành phố Johannesburg của Nam Phi, trở thành trung tâm tài chính số 1 trong bảng xếp hạng các trung tâm tài chính toàn cầu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Quốc vương Morocco Mohammed VI tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 11/5/2016. (Nguồn: Reuters) |
Một số quốc gia khác như Mauritius và Nam Phi cũng được ca ngợi là cửa ngõ để Trung Quốc tiến vào châu Phi, nhưng không quốc gia nào có thể khẳng định vị thế của mình theo cách mà Morocco đã làm. Năm ngoái, Chính phủ Morocco đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nhân Trung - Phi đầu tiên tại thành phố Marrakech, sau đó Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 22 (COP 22) cũng đã diễn ra tại đây. Các diễn đàn khác cũng dự định sẽ được tổ chức tại Morocco trong thời gian tới.
Mối quan hệ Trung Quốc - Morocco được hình thành từ tháng 11/1958, nhưng chỉ trở nên gần gũi hơn vào năm ngoái khi Quốc vương Morocco Mohammed VI có chuyến thăm chính thức Trung Quốc. Đây là chuyến viếng thăm Trung Quốc lần thứ hai trong thời gian nắm quyền của ông.
Ông Mohamed Boussaid, Bộ trưởng Kinh tế Tài chính Morocco, từng khẳng định rằng chuyến đi của Quốc vương vào tháng 5/2016 đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ giữa hai quốc gia này. "Chuyến thăm của Quốc vương chắc chắn đã mở ra những triển vọng mới cho thành phố Tangiers, biến nơi này thành một khu chế xuất, đồng thời mở ra cơ hội cho những lĩnh vực khác, như du lịch", ông Mohamed Boussaid nói.
Trong chuyến đi này, hai nước đã ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác quan trọng, gồm việc thành lập Quỹ đầu tư Trung Quốc - châu Phi và lên kế hoạch xây dựng trung tâm công nghiệp với số vốn đầu tư lên tới 10 tỷ USD do Bắc Kinh tài trợ ở thành phố Tangiers, phía Bắc quốc gia Bắc Phi này. Bắc Kinh coi Morocco là cửa ngõ xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (qua eo biển Gibraltar).
Tôn trọng nhau về chính trị
Về mặt chính trị, Morocco và Trung Quốc đã thẳng thắn trong nhiều vấn đề, đáng chú ý nhất là chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Chính phủ quốc gia châu Phi này hầu như tránh đưa ra bình luận về các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc như khu tự trị Tân Cương, Đài Loan hay Tây Tạng. Đổi lại, Trung Quốc đã không nhận xét gì về lập trường của Morocco trong vấn đề Tây Sahara.
"Mặc dù Trung Quốc đã đưa rất nhiều binh lính tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình nhưng Bắc Kinh không triển khai chính sách này ở Tây Sahara", một quan chức cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ) có trụ sở tại Tây Sahara nói. Theo số liệu của LHQ từ tháng 8/2016, trong tổng số 2.639 lính Trung Quốc thực hiện các nhiệm vụ của LHQ ở nước ngoài, chỉ có 10 binh sĩ ở Tây Sahara.
Mặc dù có nhiều khác biệt về tôn giáo nhưng mối quan hệ giữa hai nước vẫn không ngừng phát triển. Hồi tháng 6/2016, Morocco miễn thị thực cho du khách Trung Quốc, đánh dấu chương mới trong lịch sử du lịch lâu đời giữa hai nước.
Năm 2016, số lượng du khách Trung Quốc đến thăm quốc gia Bắc Phi này đã tăng mạnh lên tới 42.000 người, tăng 300% so với cùng kỳ năm trước. Con số này đặc biệt ấn tượng nhờ việc hạn chế yêu cầu về thị thực. Trước khi thị thực được dỡ bỏ, Morocco chỉ đón khoảng 1.000 du khách Trung Quốc mỗi tháng và đã đạt đến mức cao hơn 7.000 khách/tháng kể từ khi chính sách miễn thị được thực hiện. Như vậy, mục tiêu của Morocco là đón 100.000 khách du lịch Trung Quốc vào năm 2017 là rất khả thi. Mới đây, Trung Quốc đã tổ chức sự kiện du lịch quan trọng mang tên “Morocco - Điểm đến lý tưởng trên thế giới”.
Sự phát triển quan hệ Trung Quốc – Morocco đang ngày một khẳng định quyết tâm giành vị thế quan trọng của Trung Quốc tại châu Phi nói riêng và trên trường quốc tế nói chung.