📞

Mosul trở lại bình yên

11:45 | 10/02/2017
Cơn ác mộng đã thực sự chấm dứt với các cư dân ở làng Tullaban, ngoại ô thành phố Mosul, Iraq.

​Mùa Thu năm ngoái, khi chiến dịch giải phóng Mosul đẩy lùi tổ chức Hồi giáo Nhà nước (IS) tự xưng khỏi làng Tullaban, dân làng đã có thể trở lại quê nhà mà không sợ hãi những chiến binh thánh chiến như hồi năm 2014. Tuy nhiên, họ vẫn phải đối diện với những dấu tích mà IS để lại như các bẫy mìn và sự đổ nát, hoang tàn.

Dân làng cũng trở nên mạnh mẽ hơn sau cơn ác mộng kéo dài hai năm. "Khi IS đến đây lần đầu tiên, chúng tôi đã bỏ chạy. Nhưng sau đó, chúng tôi đã trở lại mặc dù cũng có nhiều người đã thiệt mạng”, ông Ali Jassem, 80 tuổi, đứng nói giữa tòa nhà đổ nát do các cuộc không kích và thủng lỗ chỗ bởi súng máy.

Tullaban giờ đây đang bắt đầu “thay da đổi thịt” nhờ việc dọn sạch bẫy mìn do Tập đoàn Mines Advisory - một tổ chức từ thiện của Anh - thực hiện nhằm bảo đảm an toàn cho người dân thời kỳ hậu xung đột. Tullaban cùng với các vùng phía Đông đã được giải phóng của Mosul đang hồi sinh, thậm chí còn nhanh hơn so với những gì mọi người hy vọng ban đầu.

Những đứa trẻ ở Mosul lại được cắp sách tới trường. (Nguồn: Reuters)

Tháng 1 vừa qua, 30 trường học ở phía Đông Mosul đã mở cửa trở lại, đón 16.000 học sinh tới trường. Nhiều em trong số này thậm chí chưa từng được đến lớp. "Việc mở lại các trường học nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cộng đồng. Đối với trẻ em, đây là cơ hội để tái thiết cuộc sống. Đối với giáo viên, đây là cơ hội để đi làm và kiếm tiền", Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Iraq, ông Peter Hawkins, nhấn mạnh.

Cũng như trường học, nhiều cửa hàng và nhà hàng tại đây cũng bắt đầu mở cửa trở lại. Theo ông Peter Hawkins, ít nhất 22.000 người đã trở về Mosul, chủ yếu là từ các trại tị nạn của LHQ.

Tuy nhiên, không phải nơi nào của Iraq cũng có thể phục hồi nhanh chóng như Mosul. Tại thành phố Fallujah và Ramadi, phía Tây Baghdad, nơi phải chịu thiệt hại lớn hơn nhiều, nhiều thường dân vẫn mòn mỏi chờ đợi trong các trại tị nạn sáu tháng nay sau khi quê nhà được giải phóng.

Theo ông Peter Hawkins, do tại Mosul, quân đội Iraq đã sử dụng chiến thuật nhẹ nhàng và khuyến khích người dân ở lại trong nhà của họ chứ không cần sơ tán, nên việc tái thiết cũng dễ dàng hơn. Thực tế là chiến thuật giữ nhiều ngôi nhà vẫn còn người dân sinh sống cũng gây khó khăn hơn cho IS trong việc đặt bẫy, gài mìn.

Tuy nhiên, ngoài vấn đề cơ sở vật chất, những người trở về quê nhà vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tái hòa nhập. Những câu hỏi như “Vì sao hàng xóm của tôi vẫn ở lại Mosul? Nếu anh ta có thiện cảm với IS thì liệu tôi có nên cho con mình chơi với con của anh ta?” vẫn đang tồn tại trong suy nghĩ của những người dân Mosul. Ông Hawkins cam kết sẽ có một đội ngũ tư vấn, chia sẻ và giáo dục cho người dân Mosul nhằm giảm thiểu cảm giác mất lòng tin, bảo đảm rằng trẻ em từng sống trong thời kỳ IS chiếm đóng sẽ không bị tẩy chay. Tuy nhiên, hàn gắn cộng đồng là công việc không chỉ dành cho các cơ quan viện trợ và chính trị gia mà còn là trách nhiệm của các bộ tộc, tôn giáo tại Iraq.

(theo The Economist)