📞

Một chương mới cho sự trưởng thành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Lê An 15:37 | 29/11/2022
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu khẳng định thành công của Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX mở ra một chương mới cho sự trưởng thành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong chặng đường hơn 40 năm cùng đất nước.

Ngày 29/11, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027 đã cử hành phiên bế mạc sau hai ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc tại Hà Nội.

Với tinh thần Đoàn kết – Kỷ cương – Hợp tác – Phát triển, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX đã thành công tốt đẹp, hoàn thành xuất sắc toàn bộ nội dung và chương trình đề ra.

Quang cảnh Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX. (Nguồn: BTC)

Tham dự phiên bế mạc có Chư tôn Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cùng 1.091 đại biểu đại diện cho Tăng Ni, Phật tử cả nước.

Sự kiện vinh dự có sự tham dự của ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cùng đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành trung ương, lãnh đạo Ban Tôn giáo 63 tỉnh thành.

Tại đây, toàn thể đại biểu đã lắng nghe và biểu quyết thông qua Nghị quyết 12 điểm của Đại hội, trong đó nhất trí thông qua những nội dung đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, chương trình hoạt động Phật sự khóa VIII, nhiệm kỳ 2017-2022 đã nêu trong Báo cáo Tổng kết hoạt động Phật sự được trình trước Đại hội; nhất trí thông qua phương hướng, nhiệm vụ gồm 12 mục tiêu và giải pháp thực hiện thành công chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ IX (2022 – 2027) được trình trước Đại hội.

Toàn thể đại biểu đã lắng nghe và biểu quyết thông qua Nghị quyết của Đại hội. (Nguồn: BTC)

Phát biểu tại phiên bế mạc, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN khẳng định Đại hội biểu thị sự thống nhất ý chí và hành động, quyết tâm của toàn thể Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở cả trong và ngoài nước.

Đại hội đã tập trung vào mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự Hội đồng Trị sự được xem là nhiệm vụ trọng tâm của Giáo hội. Hội đồng Trị sự khóa IX thật sự là một tập thể đoàn kết, hòa hợp, vững mạnh trong điều hành Phật sự.

Với số lượng phù hợp, chất lượng được nâng cao, cơ cấu hợp lý để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện các Phật sự ở các Ban, Viện trung ương và ở các cấp địa phương, có trình độ chuyên môn, có phẩm chất đạo hạnh tốt, có khả năng nhiếp chúng, quy tụ đoàn kết Tăng Ni, tập hợp và gắn bó mật thiết với đồng bào Phật tử, có tinh thần trách nhiệm, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của thời kỳ hội nhập phát triển.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN. (Nguồn: BTC)

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nhấn mạnh: "Đại hội đã tập trung thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, đầy tâm huyết mang tính xây dựng cao và đã thông qua các văn kiện của Đại hội, thông qua Báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022), thống nhất chương trình mục tiêu, phương hướng hoạt động Phật sự gồm 12 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ IX (2022 – 2027).

Đại hội đã biểu quyết nhất trí với bản Hiến chương sửa đổi phù hợp với thực tiễn điều hành hoạt động Phật sự và phù hợp với luật pháp Nhà nước trong giai đoạn hiện nay".

Đặc biệt, Đại hội đã ba lần nhất tâm cung thỉnh và suy tôn Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng trụ ngôi Pháp chủ GHPGVN, suy tôn Hội đồng Chứng minh; suy cử Hòa thượng Thích Thiện Nhơn tiếp tục giữ ngôi vị Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN và Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ (2022 – 2027); thực hiện nghi thức tấn phong 3.342 Tăng Ni lên hàng giáo phẩm Hòa thượng, Ni trưởng, Thượng tọa, Ni sư.

Đại hội suy tôn Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng trụ ngôi Pháp chủ GHPGVN. (Nguồn: BTC)

Đại hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX (2022 – 2027) làm kim chỉ nam cho các hoạt động Phật sự xuyên suốt của các Ban, Viện Trung ương, các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp trong 5 năm tới làm tiền đề cho những chặng đường phát triển tiếp theo cùng với sự đi lên của đất nước.

Đại hội biểu thị sự thống nhất ý chí và hành động, quyết tâm của toàn thể Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước, cũng như ở nước ngoài trong những năm tới thực hiện thành công mục tiêu, chương trình tổng quát mà Đại hội đã đề ra.

Để thực hiện thành công các mục tiêu quan trọng đó, Đại hội cũng đã thảo luận và đưa ra phương thức và các biện pháp thực hiện có giá trị định hướng và mang tính chỉ đạo trong suốt quá trình triển khai tổ chức thực hiện phương hướng nhiệm vụ phát triển Giáo hội, phục vụ đồng bào Phật tử ở trong nước, cũng như ở nước ngoài trong giai đoạn 05 năm tới và tầm nhìn tới năm 2045.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cũng khẳng định thành công của Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX mở ra một chương mới cho sự trưởng thành và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong chặng đường hơn 40 năm cùng đất nước.

Ngay sau thành công của Đại hội, tất cả các Ban, Viện trung ương, các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các địa phương cần phổ biến, tuyên truyền rộng rãi về kết quả thành công của Đại hội; nghiên cứu, phổ biến Nghị quyết và các văn kiện Đại hội; khẩn trương kiện toàn bộ máy tổ chức để xây dựng và triển khai chương trình hoạt động Phật sự của mình để Nghị quyết Đại hội thực sự đi vào thực tiễn.

Đại hội suy cử Hòa thượng Thích Thiện Nhơn tiếp tục giữ ngôi vị Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN và Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ 2022 – 2027. (Nguồn: BTC)

Những điểm nổi bật của Nghị quyết Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX:

- Đại hội đồng nhất tâm suy tôn Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Quyền Pháp chủ lên ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh; bổ sung Chư tôn đức tham gia Hội đồng Chứng minh, nâng tổng số thành viên Hội đồng Chứng minh nhiệm kỳ 2022 – 2027 là 112 vị, trong đó có 30 thành viên Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh.

- Đại hội đã tiến hành suy cử Hội đồng Trị sự gồm 235 Ủy viên chính thức, 45 Ủy viên dự khuyết, trong đó có 65 thành viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự. Nhất tâm suy cử Hòa thượng Thích Thiện Nhơn tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN nhiệm kỳ 2022 – 2027.

- Đại hội nhất trí thông qua bản Hiến chương GHPGVN sửa đổi gồm: Lời nói đầu, 14 chương, 87 điều. Giao Ban Thường trực Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ 2022 - 2027 tiến hành các thủ tục trình Ban Tôn giáo Chính phủ phê chuẩn và ban hành Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ VII.

- Thông qua danh sách tấn phong Tăng Ni lên hàng giáo phẩm, gồm 268 Hòa thượng, 1.102 Thượng tọa, 391 Ni trưởng và 1.581 Ni sư.

- Đại hội lãnh thọ và phụng hành đạo từ của Đức Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN khuyến tấn Tăng Ni, Cư sĩ, tín đồ Phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài.

- Ghi nhận ý kiến của các Ban, Viện Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố; Tăng Ni, tín đồ Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài đã phát biểu, tham luận được trình bày tại Đại hội hoặc đã gửi đến Đại hội. Giao Ban Thư ký tổng hợp và bổ sung vào chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ.

- Đại hội kêu gọi Tăng Ni, Cư sĩ, tín đồ Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài tinh tiến tu tập, thực hành lời dạy của Đức Phật; luôn nêu cao khẩu hiệu: Kỷ cương – Trách nhiệm – Đoàn kết – Phát triển để chung sức, chung lòng xây dựng GHPGVN ngày càng phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc.

- Đại hội bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Ban, Bộ ngành Trung ương, Thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho GHPGVN tổ chức rất thành công Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027.

- Đại hội kêu gọi toàn thể Tăng Ni, Cư sĩ, tín đồ Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động Phật sự ích nước, lợi dân, ích đạo, lợi đời. Phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong hệ thống chính trị chung tay xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, hưởng ứng mạnh mẽ các chương trình hành động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng nền văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc truyền thống dân tộc; đưa kết quả của bốn đề án văn hóa Phật giáo vào thực tiễn xây dựng hệ giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam.