TIN LIÊN QUAN | |
Việt Nam mong muốn doanh nghiệp Malaysia sang đầu tư, kinh doanh | |
Thủ tướng: Việt Nam ủng hộ những nỗ lực cải tổ hệ thống phát triển Liên hợp quốc |
Ba điểm đến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến công du châu Âu vừa qua là Cộng hòa Áo, Vương quốc Bỉ và Vương quốc Đan Mạch; sáu mục tiêu quan trọng là thăm chính thức 3 nước và EU, dự Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 12 (ASEM 12) và dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu đến 2030 (P4G).
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, chuyến thăm chính thức Áo, Bỉ, Đan Mạch và EU lần này của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tạo ra nhiều đột phá, là động lực quan trọng đưa quan hệ hợp tác Việt Nam với các đối tác tiếp tục đi vào chiều sâu, theo hướng toàn diện hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn, mang lại lợi ích nhiều hơn cho cả hai bên, đồng thời, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề chung của quốc tế.
Đại diện cộng đồng người Việt tại Áo và một số nước châu Âu đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân.(Nguồn: VGP) |
Việt Nam đã tham gia tích cực và có nhiều đóng góp nổi bật tại Hội nghị ASEM 12 và P4G lần đầu tiên, góp phần vào thành công chung của các Hội nghị này.
Hiện thực hóa cơ hội từ EVFTA
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá, EU là đối tác rất quan trọng của Việt Nam, là đối tác thương mại thứ ba, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và nhà đầu tư lớn thứ năm vào Việt Nam. Áo hiện là Chủ tịch luân phiên của EU trong 6 tháng cuối năm 2018, đang rất tích cực ủng hộ Việt Nam trong quan hệ với EU. Bỉ có hợp tác đa dạng với Việt Nam từ cấp trung ương đến cấp vùng, cộng đồng. Đan Mạch là đối tác toàn diện của Việt Nam.
Lãnh đạo các nước và EU đã bày tỏ ủng hộ việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liêp hợp quốc về Luật Biển 1982. Với EU, Việt Nam cũng trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong khai thác thủy sản bền vững, trong đó EU ủng hộ các nỗ lực của Việt Nam trong khắc phục các vấn đề liên quan tới khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU fishing), tiến tới việc gỡ bỏ thẻ vàng cho khai thác hải sản Việt Nam.
Nội dung nổi bật xuyên suốt trong chuyến thăm tới EU lần này là việc hai bên cùng nỗ lực thúc đẩy sớm ký kết, phê chuẩn và thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA), hiện thực hóa những cơ hội to lớn mà các hiệp định này mang lại cho cả hai bên.
Ngay trong chuyến thăm, Ủy ban châu Âu đã thông qua quyết định trình EVFTA lên Hội đồng châu Âu xem xét chấp thuận ký chính thức là một quyết định kịp thời, đáp ứng yêu cầu hiện nay và lợi ích của hai bên. Dư luận đánh giá đây là một thông điệp quan trọng, nhiều ý nghĩa, khẳng định cam kết của cả Việt Nam và EU đối với hệ thống thương mại đa phương mở. Tiếng nói của các doanh nghiệp EU đều thể hiện sự mong đợi sớm triển khai hiệp định này.
“Kết quả này cùng với việc ta thông báo Quốc hội chuẩn bị xem xét phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong tháng 11 tới đã đề cao hình ảnh Việt Nam đi đầu tham gia các liên kết kinh tế tiêu chuẩn cao, đóng góp thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư.” - Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Ba đề xuất quan trọng
Dự Hội nghị ASEM 12 (18-19/10) tại Bỉ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một trong 8 nhà lãnh đạo trong 53 quốc gia thành viên được mời phát biểu dẫn đề và có phát biểu quan trọng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu lần thứ 16.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo dự Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 12 (ASEM 12). |
Với chủ đề “Củng cố hệ thống đa phương: Thúc đẩy quan hệ đối tác ASEM ứng phó với các thách thức toàn cầu”, bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gây ấn tượng mạnh mẽ tại Hội nghị ASEM 12. Theo Thủ tướng, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế chuyển động nhanh chóng và sâu sắc. Hệ thống đa phương đứng trước nhiều thách thức. Biến đổi khí hậu ngày càng bất thường và gây ra những tác động nặng nề. Sáng tạo số và các công nghệ mới đang định hình lại nền sản xuất, kinh doanh và cuộc sống con người, nhưng cũng làm gia tăng khoảng cách xã hội. Vì vậy, ASEM cần đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Tại Hội nghị, Thủ tướng đã nêu ba đề xuất quan trọng. Thứ nhất, ASEM cần đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và ứng phó với các thách thức toàn cầu, đóng góp xây dựng cơ chế quản trị toàn cầu hiệu quả, công bằng và dân chủ hơn. Hai châu lục cần hợp tác chặt chẽ giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, duy trì hòa bình, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế và các chuẩn mực chung.
ASEM cần thúc đẩy quản trị kinh tế - tài chính toàn cầu cân bằng, hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ, nâng cao vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong tình hình mới. Các chương trình hợp tác của ASEM cần có thêm nội hàm về ASEAN, và ASEAN cần tăng cường hợp tác với các thành viên ASEM trong xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tự cường và sáng tạo.
Thứ hai, ASEM cần đi đầu triển khai các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên, an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước, hợp tác Mekong - Danube, nỗ lực giảm chất thải nhựa ra đại dương; các thành viên phát triển trong ASEM hỗ trợ các thành viên đang phát triển trong tiếp cận tài chính, chuyển giao công nghệ, đầu tư năng lượng sạch, chuyển sang nền kinh tế xanh.
Trong chuyến công tác lần này, Thủ tướng Chính phủ đã có 70 bài phát biểu tại gần 50 hoạt động như hội đàm với Thủ tướng các nước, tiếp kiến Tổng thống Áo, Nhà Vua Bỉ, Nữ hoàng Đan Mạch, hội kiến và gặp lãnh đạo Quốc hội các nước, lãnh đạo EU, lãnh đạo địa phương, dự Diễn đàn và Bàn tròn doanh nghiệp, tiếp Lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu EU, gặp gỡ kiều bào và nói chuyện với sinh viên… |
Thứ ba, phát triển bền vững, gắn với đổi mới sáng tạo, ứng phó thách thức toàn cầu cần trở thành trọng tâm xuyên suốt của hợp tác ASEM. Cần thúc đẩy tăng trưởng bao trùm về kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, giáo dục chất lượng, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm đào tạo, nghiên cứu, phát triển nhân lực trong ASEM; kết nối các mạng lưới nữ doanh nhân và giao lưu nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh, ASEM cần chia sẻ kinh nghiệm về khơi dậy tiềm năng đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ các nhóm người dân dễ bị tổn thương trong xã hội tiếp cận công nghệ số, thích nghi với thay đổi và ứng phó với rủi ro. Thủ tướng thông báo Việt Nam sẽ tăng đóng góp tài chính cho Quỹ Á–Âu từ năm 2019.
Các thành viên cũng chia sẻ và hoan nghênh đề xuất của Việt Nam về thúc đẩy đối thoại, hợp tác nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Đông Nam Á, trong đó có Biển Đông, góp phần quan trọng thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết và thịnh vượng ở hai châu lục và trên thế giới.
Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, đề nghị của Việt Nam về việc đăng cai tổ chức đối thoại thường kỳ về thúc đẩy kênh Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEM và đối thoại giữa các Bộ trưởng Kinh tế với cộng đồng doanh nghiệp đã được các doanh nghiệp tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Á–Âu lần thứ 16 ủng hộ mạnh mẽ.
Tăng cường hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu
Với vai trò là một trong số các quốc gia tham gia sáng lập Diễn đàn P4G, phát biểu tại Hội nghị P4G ngày 20/10 tại Đan Mạch, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó biến đổi khí hậu; khẳng định Việt Nam sẽ chung tay hành động cùng với các chính phủ thành viên của Diễn đàn hiện thực hóa mục tiêu xanh toàn cầu 2030, sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác thực hiện các sáng kiến của Diễn đàn về thúc đẩy các các dự án công tư (PPP) trong tăng trưởng xanh, đặc biệt là về tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo, nông nghiệp và tài nguyên nước, phát triển đô thị thông minh, kinh tế tuần hoàn…
Thủ tướng cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam trong triển khai thực hiện mục tiêu chung của Diễn đàn, trong đó có việc thành lập Diễn đàn quốc gia P4G Việt Nam, huy động các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện các sáng kiến trong quản lý rác thải nhựa và thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, cũng như xây dựng mô hình tài chính hỗn hợp trong đầu tư lĩnh vực cấp thoát nước ở Việt Nam.
Thủ tướng: EVFTA sẽ tạo động lực thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Italy Chiều 24/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Đại sứ Italy tại Việt Nam, bà Cecilia Piccion đến chào ... |
Thủ tướng mong muốn Romania tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam Chiều nay, 23/10, tại Trụ sở Chính phủ, tiếp Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp Romania Stefan Radu Oprea, ... |
Nhiều đột phá đưa quan hệ hợp tác Việt Nam và các đối tác đi vào chiều sâu Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh điều này khi trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến ... |