📞

Một góc nhìn về Trumponomics

07:30 | 28/05/2017
“Có tồn tại học thuyết kinh tế Trump - Trumponomics?”

Trả lời trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với tờ The Economist kể từ khi ngồi vào vị trí quyền lực nhất thế giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gật đầu xác nhận. Trumponomics thực sự quan trọng với nước Mỹ và với việc những thỏa thuận thương mại phải được thực thi một cách công bằng.

Tổng thống Trump đang mất quyền kiểm soát ở nhiều phần của kế hoạch phát triển kinh tế mà ông đã đặt ra.

Những “mũi tên” của ông Trump

Bỏ qua những yếu tố ồn ào, “mũi tên” trọng tâm, rõ ràng nhất của Trumponomics là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ. Từ khi tranh cử, ông Trump đã hứa hẹn về mức tăng trưởng 5%/năm. Nhưng mục tiêu này sẽ khá khó khăn nếu ông Trump vẫn bảo lưu quyết định rút Mỹ khỏi mọi hiệp định thương mại. Theo tính toán, NAFTA đã giúp kim ngạch thương mại song phương Mỹ - Mexico tăng gấp 10 lần, do đó một phiên bản mới với những quy định ngặt nghèo hơn với các đối tác, có thể có lợi hơn đối với Mỹ ở một khía cạnh nào đó, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ.

Theo giới chuyên gia kinh tế, những vấn đề khác mà Trumponomics nhằm tới đều là những công cụ quen thuộc trong chính sách trọng cung, đó là giảm thiểu luật lệ và cải cách thuế. Đây cũng là những chính sách quen thuộc từ thời Tổng thống Ronald Reagan.

Những năm 1980, các chính sách kinh tế trọng cung mang tên Reaganomics từng được đánh giá là có tầm cỡ với chủ trương giảm thuế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát nguồn tiền để giảm lạm phát, bãi bỏ kiểm soát kinh tế và giảm chi tiêu của chính phủ. Đối với tình hình kinh tế Mỹ hiện tại, những chính sách này vẫn rất cần thiết.

Theo thống kê, hiện nước Mỹ có 1,1 triệu điều luật được áp dụng trên toàn liên bang, nhiều hơn rất nhiều so với 400.000  điều của năm 1970. Bởi vậy, sắc lệnh yêu cầu các cơ quan liên bang xóa bỏ hai luật tương ứng với mỗi luật lệ mới được ban hành là động thái được hoan nghênh. Tương tự, yêu cầu tinh gọn các luật thuế vốn rất rắc rối cũng không kém phần cấp bách, so với mục tiêu giảm mức thuế thu nhập cá nhân và thuế doanh nghiệp xuống còn 15% của Tổng thống Trump. Theo thống kê của Đại học George Washington, hiện có hơn 1 triệu  người làm công việc kê khai thuế, nhiều hơn tổng số cảnh sát và lính cứu hỏa.

Mũi tên tiếp theo trong Trumponomics nhằm vào cơ sở hạ tầng. Dù chưa được tiết lộ chi tiết, chiến lược đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cực lớn kéo dài 10 năm sẽ đầu tư đến 1.000 tỷ USD, nhằm cải thiện chất lượng giao thông, đường sá và đường cao tốc, xây dựng các tuyến đường mới và đặc biệt là ưu tiên những dự án sẵn sàng khởi công sớm. Với quan điểm Chính phủ đã lãng phí quá nhiều tiền thuế của dân cho những dự án sai lầm và thiếu hiệu quả, thời gian tới sẽ là sự hợp tác mạnh mẽ giữa khu vực nhà nước và tư nhân, để tạo nên một viễn cảnh vĩ đại cho nước Mỹ.

Mũi tên cuối cùng của Trumponomics là tăng cường hoặc cải cách luật nhập cư. Bản thân ông Trump cũng như đội ngũ của ông không gọi đây là chính sách kinh tế, nhưng rõ ràng chính sách này sẽ tác động rất mạnh đến nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sắc lệnh nhập cư của ông Trump nhằm vào đối tượng là những người bị ảnh hưởng bởi chính sách hạn chế nhập cư và trục xuất lao động chưa có giấy phép, dù họ chưa từng phạm tội sẽ tác động đến một nửa số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trumponomics sẽ thế nào?

Ông Trump được coi là một trường hợp ngoại lệ trong lịch sử các đời Tổng thống Mỹ, khi ông thường xuyên đưa ra những phát ngôn trái ngược nhau đối với hầu hết các vấn đề. Tuy nhiên, riêng với các hiệp định thương mại mà Mỹ tham gia, ông luôn trước sau như một với niềm tin nước Mỹ đang thất bại trên mặt trận thương mại, chịu thiệt thòi để đem lại lợi ích cho các đối tác khác.

Gần một nửa thế kỷ qua, vị doanh nhân tỷ phú Donald Trump luôn tự nhận mình là bậc thầy về đàm phán, bởi thế ông kịch liệt phê phán các thỏa thuận thương mại mà những người tiền nhiệm đã đạt được. Ông Trump còn tỏ rõ là người thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với thái độ phản toàn cầu hóa của tầng lớp trung lưu Mỹ. Có lẽ vì thế, trong xu thế kinh tế thế giới hiện nay, những lời chỉ trích trái chiều nhằm vào các hiệp định thương mại của ông Trump bị cho là xa vời thực tế.

Giới phân tích cho rằng, tăng trưởng là tốt, nhưng dường như đang có sự lệch pha giữa Trumponomics và những yêu cầu của kinh tế Mỹ hiện nay. Ở Trumponomics thiếu vắng những giải pháp nhằm giải quyết triệt để gốc rễ vấn đề.

Tự động hóa chứ không phải sự cạnh tranh từ Trung Quốc là nguyên nhân lớn nhất khiến người Mỹ mất việc. Các xu hướng mới mà công nghệ đem lại đang tước đi việc làm của lao động tay nghề thấp, chứ không phải mối đe dọa từ lao động nhập cư Mexico. Tổng thống Trump thường xuyên nhắc đến mục tiêu tạo thêm việc làm trong ngành sản xuất, nhưng thực tế chỉ có 8,5% lao động Mỹ làm việc trong ngành này. Ông cũng muốn hồi sinh ngành khai mỏ, nhưng hiện tại số lao động trong các công ty sản xuất năng lượng mặt trời đã lớn gấp 2,5 lần. Trong khi đó, ông Trump lại chưa bao giờ đề cập đến các biện pháp nâng cao trình độ cho hàng triệu người lao động Mỹ - thứ mà họ sẽ phải có trong tương lai.

Vậy Trumponomics sẽ tồn tại thế nào? Chỉ số S&P500 đã tăng trưởng 12% kể từ khi ông Trump thắng cử, nhiều yếu tố khác trong nền kinh tế cho thấy giới đầu tư tin tưởng vào những lời hứa của Tổng thống Trump và bỏ qua các lời phản biện của giới chuyên gia kinh tế.

Trên thực tế, Tổng thống Trump đang mất quyền kiểm soát ở nhiều phần của kế hoạch phát triển kinh tế mà ông đã đặt ra. Các chính sách của ông phải được Quốc hội thông qua, tức cần sự ủng hộ của các nghị sĩ đảng Dân chủ. Nhưng có vẻ như ông không mặn mà với việc thuyết phục đảng đối lập, mà ngược lại, không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để “tấn công” họ. Tuy nhiên, mới đây nhất, ông Trump đã bị thuyết phục về việc không rút Mỹ ra khỏi NAFTA. Điều đó cho thấy, với vị Tổng thống đặc biệt này, mọi khả năng đều có thể xảy ra.