Năm nay, Việt Nam kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước trong khi Đức kỷ niệm lần thứ 25 Ngày tái thống nhất đất nước và cả hai nước cùng kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. "Quan hệ với Việt Nam luôn là một quan hệ đặc biệt đối với nước Đức", ông Hans-Jorg Brunner đưa ra nhiều dẫn chứng, chẳng hạn như việc hiện có khoảng 120.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Đức và mỗi năm, Đại sứ quán Đức cấp khoảng 2.000 thị thực cho người Việt Nam.
Quan hệ chính trị rất tốt đẹp được thể hiện qua việc trao đổi thường xuyên các đoàn cấp cao. Tháng 10/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm chính thức Berlin và một tháng sau, Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel đến TP. Hồ Chí Minh khai mạc Hội nghị châu Á - Thái Bình Dương của giới kinh tế Đức. Tháng Ba năm nay, Chủ tịch Quốc hội Liên bang Norbert Lammert đã tới Hà Nội khai mạc Lễ hội Đức - sự kiện thu hút hơn 7.000 lượt người tham dự.
Đại biện lâm thời Đức thông báo: "Bộ trưởng Ngoại giao Frank Walter Steinmeier sẽ tới Việt Nam vào cuối tháng Mười và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ có chuyến thăm chính thức CHLB Đức vào ngày 25-26/11. Những sự kiện này sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm cao mới".
Cơ sở của mối quan hệ này, theo ông Hans-Jorg Brunner, chính là việc hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược từ tháng 10/2011. Nổi bật là những dự án hải đăng, trong đó có Ngôi nhà Đức, Đại học Việt Đức và tuyến xe điện ngầm số 2 tại TP. Hồ Chí Minh. Ngôi nhà Đức được bắt đầu xây dựng tháng 11/2014 (dự kiến hoàn thành vào 2017). Phía Đức còn hỗ trợ xây trường Đại học Việt Đức ở TP. Hồ Chí Minh, hiện có 800 sinh viên Việt Nam đang theo học và khi tốt nghiệp được nhận bằng kép. Ngoài ra, tuyến xe điện ngầm số 2 đang được xúc tiến xây dựng với sự hỗ trợ của Ngân hàng Tái thiết Đức.
Việt Nam là một thị trường hấp dẫn đối với doanh nghiệp Đức. Mối quan tâm đó thể hiện ở việc Đức quyết định tổ chức Hội nghị châu Á - Thái Bình Dương vào năm ngoái với sự tham gia của 850 đại diện doanh nghiệp Đức. Ông Hans-Jorg Brunner cho biết hiện có hơn 300 công ty Đức đang hoạt động đầu tư tại Việt Nam, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước trong năm 2014 đạt 7,8 tỷ USD với tỷ trọng xuất siêu lớn của Việt Nam và dự kiến sẽ tăng khoảng 10% trong năm 2015.
Vậy Đức được gì sau khi Việt Nam ký FTA với EU? Ông Hans-Jorg Brunner cho rằng: Trong EU, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, khi hàng rào thuế quan bị bãi bỏ, tổng kim ngạch hai chiều sẽ tăng mạnh hơn nữa.
Hoàng Hạnh