“Không có ngày bình thường” ở Hà Nội còn bởi trong hơn hai năm đảm đương “ghế” Đại sứ, ông Bill Tweddell (ảnh) đã “công d u” rất nhiều tỉnh, thành. Nếu có thời gian rỗi, ông mê nhất là đi bộ và du lịch quanh Hà Nội. “May mắn là công việc cũng giúp tôi có cơ hội đến nhiều địa danh”. Nhà ngoại giao 58 tuổi chia sẻ - “Tôi cố gắng là Đại sứ Australia tại Việt Nam chứ không phải chỉ tại Hà Nội”.
Mà “không có ngày bình thường” cũng dễ hiểu. Bởi quan hệ Việt Nam và Australia đã tròn 35 năm tuổi kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (26/2/1973). “Ban đầu là hợp tác phát triển, thương mại rồi mở rộng ra các lĩnh vực khác. Và như vậy, lịch làm việc của Đại sứ cũng kín mít hơn” - ông Bill Tweddell nói.
“Không có ngày bình thường” cũng không có nghĩa tất cả đều là ngày đặc biệt. Đối với ông Bill Tweddell, có năm mốc thời gian trọng đại. Đó là ngày 2/12/2005 – ngày ông trình Quốc thư lên Chủ tịch nước, ngày 2/3/2006 – kết thúc đàm phán song phương giữa Việt Nam và Australia về việc Việt Nam gia nhập WTO, tháng 11/2006 - Tuần lễ APEC thành công, ngày 4/6/2007 - Lễ trao trả 3 hài cốt binh sĩ Australia mất tích trong chiến tranh Việt Nam và ngày 15/12/2007 – Việt Nam triển khai quy định đội mũ bảo hiểm trên tất cả các tuyến đường.
Có vẻ như không đáng ngạc nhiên khi nhà ngoại giao Australia “có bảy nhiệm kỳ ở nước ngoài, nhưng duy nhất ở Việt Nam là không đủ tự tin để lái xe máy” xem ngày 15/12 vừa qua có dấu ấn như vậy. Ông nhớ lại: “Khi mới đến Việt Nam, tôi rất lo lắng khi đọc những con số thống kê về lượng người chết do không đội mũ bảo hiểm… Giao thông Việt Nam cứ như là nước vậy, cứ hở chỗ nào là chen vào”.
Thế là an toàn giao thông trở thành một ưu tiên trong hoạt động của ông Bill Tweddell tại Việt Nam. Australia thông qua Quỹ hỗ trợ hợp tác phát triển đã đóng góp phần nào vào việc thúc đẩy Việt Nam ban hành Luật đội mũ bảo hiểm. Và bản thân Đại sứ đã trực tiếp tham gia một số chiến dịch tuyên truyền về tầm quan trọng của đội mũ bảo hiểm. Giờ đây, ông “rất vui” vì quy định đội mũ bảo hiểm đã được người dân chấp hành nghiêm túc. Tuy nhiên, “bên cạnh việc ra luật thì giáo dục về mặt ý thức vẫn quan trọng hơn”, Đại sứ khẳng định.
Trên thực tế, giao thông chỉ là một trong nhiều lĩnh vực hợp tác hiệu quả giữa Australia và Việt Nam năm qua. Chẳng hạn như, trao đổi thương mại song phương tăng 20% so với năm ngoái (đạt 6,9 tỷ AUD), Việt Nam vẫn đứng thứ tư trong số các nước nhận ODA của Australia (90,8 triệu AUD trong năm 2007-2008), hơn 120 dự án đầu tư của Australia hiện diện ở trên 21 tỉnh, thành. Ngân hàng ANZ, cầu Mỹ Thuận… đã trở thành những biểu tượng cho sự hợp tác Việt Nam – Australia.
Ông Bill Tweddell đặc biệt nhấn mạnh đến hợp tác giáo dục. Đến nay có hơn 9.000 du học sinh Việt Nam ở Australia và 8.000 sinh viên đang theo các khóa học của Australia tại Việt Nam. Đất nước của Đại học RMIT cũng là nhà cấp học bổng hàng đầu cho Việt Nam. Năm 2007, Australia đã cấp 27 học bổng Giải thưởng Lãnh đạo Australian (ALA), 26 sinh viên sang Australia theo Chương trình Endeavour và hơn 150 sinh viên nhận Học bổng Phát triển Australia.
Theo vị Đại sứ đến từ xứ sở của kangoroo, những sự hợp tác đa dạng và thực chất trong năm 2007 sẽ tạo đà cho năm 2008. “Thành công của Việt Nam trong năm qua càng khẳng định sự đúng đắn của Australia trong chính sách ưu tiên phát triển quan hệ với Việt Nam. Và bản thân Australia cũng phải “cạnh tranh” với các nước khác để thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Australia không muốn Việt Nam nhìn Australia như người bạn già, năm nào cũng như năm nào, mà luôn đổi mới”, Đại sứ khẳng định. Chính vì thế, hoạt động kỷ niệm sự kiện ngoại giao giữa hai nước trong năm nay cũng được “đổi mới”, trước hết là cuộc thi sáng tác logo 35 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia rồi cuộc triển lãm ảnh Australia – Việt Nam: Xưa và Nay.
Còn cái Tết thứ ba ở Hà Nội, Đại sứ sẽ “đổi mới” chứ? “Tất nhiên rồi, cuối tháng 12, con trai tôi đã đến Việt Nam cùng bốn người bạn. Như vậy Tết năm nay của gia đình tôi sẽ được “trẻ hóa” hơn. Năm ngoái trồng quất thì năm nay có thể là đào hoặc mai. Nhưng có những điều không thể đổi mới được, chẳng hạn như Tết vẫn là dịp sum họp gia đình, ăn bánh chưng, lì xì cho bọn trẻ…” - ông Bill Tweddell cười - “và tất nhiên là cùng nhau nói câu Chúc Mừng Năm Mới”.
Diễm Hạnh