Các nhà lãnh đạo ACMECS và Tổng thư ký ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ACMECS-6 ngày 23/6 tại Thủ đô Nay Pyi Taw. |
12 giờ trưa ngày 22/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến sân bay quốc tế Nay Pyi Taw. Sự nồng ấm của đất nước Phật giáo được thể hiện ngay ở những cái bắt tay và lời hỏi thăm ân tình từ vị Bộ trưởng Năng lượng U Zay Yar Aung, đại diện Bộ Ngoại giao Myanmar, sự chào đón của các bạn trẻ Myanmar trong trang phục truyền thống và đông đảo học sinh vẫy cờ năm nước (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam) dọc hai bên đường…
Hợp tác “mua láng giềng gần”
Đây là lần đầu tiên Myanmar đăng cai Hội nghị Cấp cao CLMV và lần thứ hai Hội nghị Cấp cao ACMECS diễn ra tại đất nước Chùa Vàng. Năm ngoái, Myanmar đã chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN trên cương vị Chủ tịch ASEAN. Theo TS. Rajaram Panda, chuyên gia hàng đầu Ấn Độ về Đông Á, các hội nghị cấp cao đã phản ánh hình ảnh tốt đẹp của một đất nước đang thay đổi từng ngày với chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Số liệu từ Ngân hàng ADB cho thấy, Myanmar là điểm đến du lịch có tốc độ tăng trưởng cao nhất tiểu vùng Mekong với 5 triệu lượt khách trong năm 2014, tăng 2 triệu so với năm 2013.
Có thể thấy trong hơn mười năm qua, hợp tác CLMV và ACMECS đã gặt hái nhiều kết quả đáng ghi nhận, bổ trợ hữu hiệu cho hợp tác song phương giữa các quốc gia, thúc đẩy phát triển bền vững tại tiểu vùng Mekong. Các cơ chế này góp phần bảo vệ lợi ích của năm nước trong tiến trình liên kết kinh tế ASEAN cũng như giữa ASEAN với đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
“Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi quan điểm về việc tăng cường hợp tác song phương trong 12 lĩnh vực ưu tiên, trong đó có ngân hàng, năng lượng, thương mại và đầu tư. Hai bên phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 500 triệu USD trong năm 2015, đồng thời trao đổi kinh nghiệm về việc trồng cà phê, cao su và hạt điều cũng như kinh nghiệm của Việt Nam trong triển khai các khóa đào tạo nghề”. (Trích từ tin về cuộc hội kiến giữa Tổng thống Myanmar Thein Sein và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đăng trên báo The Global New Light of Myanmar ngày 23/6). |
Triển vọng và thành quả của hợp tác CLMV và ACMECS đã được các nhà lãnh đạo đề cập tại các Hội nghị Cấp cao CLMV-7 và ACMECS-6. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, hợp tác tiểu vùng thời gian qua có ba kết quả nổi bật. Về kết nối giao thông, Việt Nam và Lào đã khai trương mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo – Den-savan vào tháng 2/2015, Lào và Myanmar đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Cầu Hữu nghị qua sông Mekong, một số tuyến đường dọc hành lang Đông – Tây và Hành lang phía Nam đã được nâng cấp và xây dựng mới. Về phát triển nguồn nhân lực, việc Việt Nam và Thái Lan cung cấp học bổng cho Campuchia, Lào và Myanmar được các nước đánh giá cao. Về du lịch, các nước đã tổ chức định kỳ các sự kiện xúc tiến và tiếp thị du lịch, triển khai các chương trình du lịch chung nhằm hiện thực hóa ý tưởng “Năm quốc gia, Một điểm đến”.
Những thành tựu trên là nền tảng vững chắc để các nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác nhiều mặt trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN sắp hình thành. Như Tổng thống nước chủ nhà Thein Sein nhấn mạnh tại Hội nghị Cấp cao ACMECS-6, “Nỗ lực của chúng ta vì sự hợp tác mạnh mẽ và gần gũi hơn cũng có lợi cho ASEAN trên con đường đi đến Cộng đồng ASEAN với nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên”.
Vai trò đầu tàu của Việt Nam
Trong những năm qua, Việt Nam luôn thể hiện vị trí đầu tàu tích cực trong hợp tác CLMV và ACMECS, qua đó giúp tận dụng nguồn lực nội tại, đồng thời huy động các nguồn lực từ bên ngoài thúc đẩy hợp tác khu vực. TS. Rajaram Panda ca ngợi vai trò “đáng khen ngợi” của Việt Nam trong các sáng kiến CLMV, chẳng hạn như việc lập Quỹ học bổng CLMV để thúc đẩy giáo dục và nghiên cứu giữa các nước thành viên.
Đặc biệt, các ý kiến chia sẻ, đề xuất, kiến nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của các nước thành viên. Điển hình là lãnh đạo các nước cam kết nhân rộng việc thực hiện mô hình kiểm tra “một cửa một lần dừng” tại các cặp cửa khẩu quốc tế giữa Thái Lan - Lào, Lào – Myanmar, Việt Nam – Campuchia…, qua đó tạo thông thoáng hơn về thủ tục hải quan, giảm chi phí, hứa hẹn gia tăng nhanh trao đổi thương mại giữa các nước.
Đánh giá cao chương trình học bổng hàng năm mà Việt Nam dành cho học sinh Campuchia, Lào và Myanmar, các nhà lãnh đạo đề nghị Việt Nam tiếp tục thực hiện chương trình hợp tác phát triển nhân lực trong những năm tới. Đặc biệt, điều này cũng được đưa vào Tuyên bố chung CLMV-7.
Tại Hội nghị Cấp cao ACMECS-6, Thủ tướng Việt Nam đã đề nghị ACMECS đặt trọng tâm vào ba nội dung lớn là nông nghiệp, tạo thuận lợi cho giao thông và thương mại biên giới và hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Ayeyawady - Chao Phraya – Mekong.
Ngoài ra, Thủ tướng nhấn mạnh, để ACMECS hoạt động hiệu quả, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp tham gia dự án hợp tác ACMECS, tăng cường đối thoại giữa Hội đồng kinh doanh ACMECS với đại diện Chính phủ nhằm bảo đảm kênh thông tin xuyên suốt và tính thiết thực của hợp tác ACMECS.
“Không bỏ lỡ cơ hội vàng”
Từ cuộc đối thoại doanh nghiệp với lãnh đạo ACMECS lần đầu tiên vào năm 2008, vai trò của doanh nghiệp ngày càng được đề cao trong khuôn khổ ACMECS. Các nhà lãnh đạo năm nước nhất trí cho rằng hợp tác ACMECS không chỉ gắn kết tình hữu nghị, đoàn kết giữa các nước láng giềng, mà còn mở ra không gian phát triển mới cho các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực. Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tiềm năng to lớn của hợp tác ACMECS vẫn chưa được phát huy một cách hiệu quả nhất, nhiều chương trình hợp tác chưa được triển khai theo đúng kỳ vọng. “Đây là điều mà chúng tôi, lãnh đạo năm nước ACMECS, rất băn khoăn và đang cố gắng khắc phục”.
Phát biểu tại phiên đối thoại với hơn 400 doanh nghiệp, Thủ tướng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp “tham gia sâu và tích cực hơn nữa vào quá trình xây dựng và triển khai các chương trình hợp tác của ACMECS, chủ động đưa ra các sáng kiến về huy động và kết hợp các nguồn lực, đóng góp ý kiến cho các hoạt động hợp tác”. Các nước ACMECS có tiềm năng lớn để phát triển và ông tin tưởng rằng doanh nghiệp “sẽ không bỏ lỡ cơ hội vàng để thành công”.
“Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho giao lưu thương mại và đầu tư, đưa ACMECS trở thành sự lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp khu vực và quốc tế”, Thủ tướng khẳng định.
Trên cương vị nước chủ nhà của Hội nghị cấp cao CLMV-8 và ACMECS-7 vào năm 2016, Việt Nam sẽ mời đại diện Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tham dự cùng đông đảo tập đoàn, doanh nghiệp lớn hàng đầu thế giới tổ chức một diễn đàn nhằm tăng cường kết nối với các doanh nghiệp năm nước tiểu vùng Mekong. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết sáng kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra tại Hội nghị nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các nhà lãnh đạo và được đưa vào Tuyên bố chung của Hội nghị.
12 giờ trưa ngày 23/6, đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Nay Pyi Taw đến làm việc tại thành phố Yangon.
Trong chuyến đi Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Tổng thống Myanmar Sai Mauk Kham đã dự một số hoạt động do Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam tại Myanmar (AVIM) tổ chức tại Yangon, trong đó có Lễ nghiệm thu giai đoạn 1 Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai, lễ khai trương hoạt động của Công ty Tài chính Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tại Myanmar, Văn phòng đại diện Tổng công ty bảo hiểm BIDV tại Myanmar… |