📞

Một quốc gia châu Âu hạn chế xuất khẩu công nghệ bán dẫn, Trung Quốc 'kiên quyết phản đối'

Việt An 08:54 | 10/03/2023
Ngày 8/3, chính phủ Hà Lan xác nhận kế hoạch soạn thảo các quy tắc bổ sung nhằm mục đích hạn chế xuất khẩu công nghệ sản xuất chất bán dẫn để bảo vệ an ninh quốc gia.
Hà Lan công bố kế hoạch hạn chế xuất khẩu công nghệ bán dẫn. (Nguồn: Reuters)

Động thái này diễn ra sau nhiều tháng thảo luận giữa Hà Lan, Mỹ và Nhật Bản.

Washington đã cố gắng thuyết phục các đồng minh áp dụng những quy định hạn chế tương tự mà Mỹ đưa ra hồi tháng 10/2022, nhằm cản trở khả năng sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc và làm chậm lại những bước tiến của “gã khổng lồ châu Á”.

Trong bức thư gửi Quốc hội Hà Lan để thông báo về quyết định trên, Bộ trưởng Thương mại Liesje Schreinemacher cho hay, các quy định hạn chế sẽ được đưa ra trước mùa Hè năm 2023.

Bức thư có đoạn viết: “Chính phủ đi đến kết luận rằng, cần phải mở rộng chính sách kiểm soát xuất khẩu hiện nay đối với các thiết bị sản xuất chất bán dẫn cụ thể vì lý do an ninh quốc tế và quốc gia”.

Theo chính phủ Hà Lan, mục đích của các quy định kiểm soát xuất khẩu công nghệ sản xuất chất bán dẫn là để ngăn chặn hoạt động sử dụng công nghệ này vì mục đích quân sự, đồng thời bảo vệ “vị thế duy nhất và dẫn đầu” của quốc gia châu Âu trong những lĩnh vực như vậy.

Trước đó, hãng Bloomberg đưa tin, Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Hà Lan và Nhật Bản về hạn chế xuất khẩu một số máy móc sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc trong những cuộc đàm phán kết thúc vào ngày 27/1.

Thỏa thuận sẽ mở rộng một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu một số loại chip mà Mỹ đã thông qua hồi tháng 10/2022 cho các công ty có trụ sở tại hai quốc gia đồng minh này, bao gồm ASML, Nikon Corp và Tokyo Electron Ltd.

* Ngày 9/3, phản ứng về quyết định trên của Hà Lan, Trung Quốc tuyên bố "kiên quyết phản đối", xem đây là kết quả của "sự bắt nạt và bá quyền" của phương Tây.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh: "Một quốc gia nào đó đã mở rộng quá mức khái niệm an ninh quốc gia, chính trị hóa và công cụ hóa các vấn đề kinh tế, thương mại và công nghệ trong những năm gần đây.

Điều này được thực hiện nhằm tước quyền phát triển của Trung Quốc và duy trì quyền bá chủ của chính họ".

(theo AFP, Reuters)