📞

Một sinh viên Việt đoạt giải cao về kiến trúc ở Nga

09:38 | 08/03/2010
Là sinh viên nước ngoài đầu tiên đoạt giải cao trong cuộc thi Kiến trúc học Chernozemia 2009 tổ chức lần thứ 3 tại TP. Voronezh (Nga), Lê Ngọc Anh – sinh viên năm thứ 5 trường Đại học Kỹ thuật Tổng hợp Quốc gia Tambov (TSTU) có hơn một niềm vui khi kênh truyền hình RenTV hôm 22/1 đã phát sóng một phóng sự riêng về anh như một sinh viên tài năng, một kiến trúc sư tương lai...
Là sinh viên nước ngoài đầu tiên đoạt giải cao trong cuộc thi Kiến trúc học Chernozemia 2009 tổ chức lần thứ 3 tại TP. Voronezh (Nga), Lê Ngọc Anh – sinh viên năm thứ 5 trường Đại học Kỹ thuật Tổng hợp Quốc gia Tambov (TSTU) có hơn một niềm vui khi kênh truyền hình RenTV hôm 22/1 đã phát sóng một phóng sự riêng về anh như một sinh viên tài năng, một kiến trúc sư tương lai...

Theo Lê Ngọc Anh, 24 tuổi, Đồ án “Trường trung học phổ thông dành cho 860 học sinh” của em được hội đồng giám khảo đánh giá cao ở tính thực tế. Công trình đã được tính toán kỹ để giải quyết tốt các tiêu chuẩn của Nga dành cho trường học như hướng gió, chiếu sáng, kinh tế, các công năng của các khu thể thao, nhà học, hội trường, sân vườn... Trường học – môi trường dành cho trẻ nên phải đơn giản, dễ hiểu và thân thiện. Chàng sinh viên Phú Thọ này đã xử lý tốt sự giao thoa của các hình khối rất đơn giản (khối hộp chữ nhật, khối lập phương, hình vuông), không có các góc nhọn hay các đường cong lượn.

 

Không phải là “con nhà nòi”, niềm đam mê kiến trúc của em hình thành như thế nào?

 

Khi còn là học sinh, em mơ ước trở thành kỹ sư, bác sĩ. Nhưng cuối cùng em lại chọn thi vào Đại học Kiến trúc Hà Nội với một lý do đơn giản: Em thích vẽ và không được giỏi môn Hóa cho lắm. Càng học, em càng thấy yêu ngành hơn và đến giờ, em có thể khẳng định đó là lựa chọn đúng của em.

 

Sau đó, em kết thúc học kỳ 1 của năm thứ nhất với điểm tổng kết cao nhất khoa (8,96) và được cử sang Nga học theo diện Hiệp định. Em được phân về Tambov học dự bị tiếng Nga một năm rồi thi vào khoa Kiến trúc – xây dựng của Đại học Kỹ thuật Tổng hợp Quốc gia Tambov.

 

Tambov ở đâu nhỉ?

 

Tambov là một thành phố yên bình cách Mátxcơva về phía Đông Nam 400km. An ninh tuyệt đối, người Nga rất thân thiện, tốt bụng. Đây cũng là một trong những thành phố có nhiều lưu học sinh Việt Nam nhất LB Nga (khoảng 80). Cộng đồng sinh viên Việt rất năng động và đoàn kết. Hàng năm đều tổ chức giải bóng đá, bóng chuyền, văn nghệ mừng ngày lễ 30/4, 19/5, 2/9, các hoạt động đón Năm Mới, Tết Trung thu, trại hè…

 

- Anechka (tên tiếng Nga của Lê Ngọc Anh) là một sinh viên chăm chỉ, ngoan và nhiều ý tưởng hay. Tôi rất ấn tượng khi nhìn vào sổ điểm của Anh, tất cả toàn là điểm 5!*

 

(I.JU. Karasova, giảng viên)

Như vậy, những trở ngại trong học tập cũng như cuộc sống của em đã được giảm bớt?

 

Trong hai năm đầu, tiếng Nga vẫn là vấn đề nan giải nhất. Bù lại, em được các bạn Nga giúp đỡ rất nhiều. Trên lớp không thể tiếp thu hết bài giảng bởi quá nhiều từ mới, nhất là từ chuyên ngành, trong giờ ra chơi hay đến nhà bạn bè, các bạn thường giải thích lại, nhờ đó mà em nắm kiến thức tốt hơn.

 

Một khó khăn nữa là thời tiết. Mùa đông rất lạnh, có khi âm dưới độ. Cũng phải nói đến những khó khăn khác như xa gia đình, sinh hoạt phí… Nhưng thuận lợi là chúng em có thành đoàn, chi đoàn và các bạn sinh viên luôn quan tâm giúp đỡ nhau. Ở đây có một “tục lệ” rất thú vị là khi có khóa sinh viên mới sang, các sinh viên năm nhất được cử đi đón các em, nấu bữa ăn đầu tiên để chào đón, rồi hỗ trợ chuyện phòng ở, làm giấy tờ nhập học, mượn sách thư viện, học tiếng Nga…

 

Sau 5 năm ở Nga, cách nhìn của em đối với kiến trúc Việt Nam thế nào trong sự so sánh với kiến trúc Nga, dù khập khiễng?

 

So sánh giữa hai nền kiến trúc với nhau rất khó. Mỗi một nước, mỗi một dân tộc có một nền văn hóa khác nhau, do đó kiến trúc cũng có những nét đặc trưng khác nhau. Em đơn cử, văn hóa phương Đông của Việt Nam tự hào với đình làng mái cong, còn người Nga tự hào với mái nhà thờ củ hành. Mỗi cái có một vẻ đẹp riêng. Nhưng thật sự là mình cũng phải học hỏi họ rất nhiều về những mặt như quy hoạch đô thị, hạ tầng, kết cấu công trình cũng như cách bố trí sơ đồ công năng rất hợp lý.

 

Khi nào học xong, em sẽ…

 

… Về Việt Nam làm việc. Em hy vọng trong tương lai sẽ thiết kế được những công trình đẹp, kinh tế, thuận tiện và an toàn ở Việt Nam.

- Cuộc thi Kiến trúc học Chernozemia diễn ra hàng năm tại Voronezh (Nga) mang tính chuyên nghiệp cao dành cho các kiến trúc sư, chuyên gia quy hoạch,  giáo sư và cả sinh viên các trường nghệ thuật, kiến trúc - xây dựng. Mục đích là phát hiện và hỗ trợ những công trình kiến trúc mang tính cấp bách, quảng bá những ý tưởng và trường phái mới, trao đổi kinh nghiệm - để hoàn thiện môi trường đô thị và điều chỉnh quy hoạch.

 

Hạnh Diễm (Thực hiện)