📞

Liên đoàn Ả rập nỗ lực gỡ rối Trung Đông

07:26 | 14/04/2018
Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Ả rập (AL) tới đây sẽ là nỗ lực ngoại giao nhằm phá thế bế tắc và hạ nhiệt căng thẳng đang diễn ra trong và ngoài khối.

Việc Iran bành trướng ảnh hưởng, cuộc khủng hoảng Qatar, “chảo lửa” Syria hay quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel là những trọng tâm dự kiến sẽ được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả rập lần thứ 29 tại Riyadh ngày 15/4. 

Từ sau cuộc gặp thượng đỉnh năm ngoái, nhiều biến động đã xảy ra tại Trung Đông. Do đó, cuộc họp năm nay được dự báo sẽ đầy cam go với hàng loạt vấn đề nóng tại khu vực, mà nổi bật là cạnh tranh ảnh hưởng giữa Saudi Arabia và Iran. Mâu thuẫn càng trở nên căng thẳng khi mới đây Riyadh đã cảnh cáo việc Tehran ủng hộ phiến quân Houthi tại Yemen tiến hành các vụ tấn công tên lửa. Thái tử Mohammed bin Salman đã chỉ trích đây không chỉ là “hành động quân sự trực tiếp”  mà còn là “động thái gây hấn nguy hiểm”.

Các lãnh đạo dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Ả rập (AL) lần thứ 28. (Nguồn: Reuters)

Hội nghị cũng sẽ tập trung tìm giải pháp cho vấn đề giữa Israel và Palestine, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và kế hoạch di dời đại sứ quán Mỹ vào tháng 5/2018. Trong khi đó, Chính quyền của Tổng thống Trump từng tuyên bố xây dựng một kế hoạch hòa giải cho người Israel và Palestine. Tuy nhiên, chưa thấy tín hiệu tích cực nào thì việc biến Đông Jerusalem – vùng đất Palestine coi là thánh địa trở thành thủ đô của Israel càng khiến cơn phẫn nộ trong lòng người dân đất nước Hồi giáo dâng trào. Điều này khiến tiến trình hòa bình Palestine – Israel rơi vào bế tắc và phần nào làm lu mờ thành quả đạt được trong cuộc đàm phán Hamas - Fatah hồi tháng 10 năm ngoái. Hội nghị lần này nhiều khả năng sẽ phản bác nỗ lực ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc của Israel tháng 6 tới.

Ngoài ra, cáo buộc Qatar cổ súy chủ nghĩa khủng bố cũng là một chủ đề lớn. Tháng 6/2017, các Tiểu vương quốc Ả rập (UAE), Saudi Arabia, Ai Cập và Bahrain tuyên bố cắt đứt quan hệ thương mại và ngoại giao với Doha sau khi lên án nước này đang ngầm chống lưng cho hoạt động của một nhóm khủng bố. Ngày 22/6/2017, 4 quốc gia Ả rập thông qua trung gian hòa giải khủng hoảng là Kuwait, đã gửi Qatar bản yêu cầu gồm 13 điểm chính, yêu cầu Qatar chấm dứt tài trợ cho khủng bố, hạ cấp quan hệ ngoại giao với Iran, đóng cửa truyền hình Al Jazeera, đóng cửa căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar… Tuy nhiên, phản ứng hời hợt và không hợp tác của Doha càng khiến căng thẳng leo thang.

Thành lập năm 1945, Liên đoàn Ả rập đóng vai trò như một diễn đàn cho quốc gia thành viên nâng cao vị thế chính trị, giải quyết những vấn đề quan tâm chung, hóa giải các bất đồng và hạn chế xung đột. Tuy nhiên qua hơn 70 năm hoạt động cùng 28 cuộc gặp thượng đỉnh đã qua, khối liên minh này đang cho thấy dấu hiệu bất ổn, lục đục trong nội bộ và căng thẳng với nước bên ngoài.

Theo nhận định của giới quan sát khu vực thì một khi các nước Arab duy trì chính sách thù địch, mâu thuẫn sâu sắc giữa các bên sẽ càng khó được dung hòa, ảnh hưởng đến nỗ lực giải quyết các vấn đề khu vực khác. Thực trạng này có thể đẩy Trung Đông tiếp tục lún sâu vào vòng xoáy bạo lực và bất ổn mới.