Dự án khí đốt hóa lỏng LNG-2 ở Bắc Cực của Nga. (Nguồn: Novatek) |
Năm 2023, phương Tây đã tích cực thảo luận về khả năng “thoát Nga” về nguồn năng lượng, đặc biệt là khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Mỹ đặt mục tiêu “bóp nghẹt” dự án LNG-2 ở Bắc Cực trọng điểm của Nga. Nhưng cuối cùng, châu Âu thực sự nhận ra việc không thể từ bỏ LNG của Nga, ít nhất là ở giai đoạn này.
Châu Âu tăng nhập LNG từ Nga
Châu Âu đã rất may mắn trong mùa nóng vừa qua. Vào mùa Hè năm 2022, việc chuẩn bị cho mùa Đông được đặt ra: Liệu Liên minh châu ÂU (EU) có đủ khí đốt để tránh bị “đóng băng” trong mùa Đông lạnh giá sắp tới không? Sau đó, thời tiết đã vô tình đứng về phe Lục địa già khi khu vực này chứng kiến một mùa Đông ôn hòa.
Tuy nhiên, mùa Đông ấm áp là món quà chứ không phải một sự đảm bảo. Do đó, bất chấp các lệnh trừng phạt do EU áp đặt đối với các nguồn năng lượng của Nga, hoạt động mua hàng của các quốc gia châu Âu vào mùa Hè năm 2023 vẫn rất tích cực.
Đến đầu tháng 11/2023, các bể chứa khí đốt ngầm ở châu Âu đã được đổ đầy, đến mức giới hạn - 99,63%. Và việc mua LNG từ Nga đóng một vai trò quan trọng trong việc này.
Mới đây, tờ La Vanguardia tiếng Tây Ban Nha dẫn lời các tác giả của một nghiên cứu tại Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA) có trụ sở tại Mỹ cho rằng: “Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (tháng 2/2022), EU đã cố gắng từ bỏ khí đốt qua đường ống và LNG của Nga.
Tuy nhiên, các số liệu cho thấy sự gia tăng nhập khẩu từ Nga và một số nước châu Âu thậm chí còn cho phép các bến cảng của họ trung chuyển và/hoặc tái xuất khẩu LNG của xứ bạch dương”.
Khách hàng LNG chính của Nga trong số các nước EU là Tây Ban Nha. Từ tháng 1 - 9/2023, nước này đã nhập khẩu 5,21 tỷ m3 LNG, tiếp theo là Pháp (3,19 tỷ m3) và Bỉ (3,14 tỷ m3). Tây Ban Nha và Bỉ đã tăng lượng mua hàng lên 50% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo dữ liệu từ tháng 1 - 10/2023 của Enagaz (một trong những công ty năng lượng lớn nhất Tây Ban Nha), Nga là nhà cung cấp LNG lớn thứ hai và nhà cung cấp khí đốt lớn thứ ba cho Tây Ban Nha, chiếm 18% thị phần nhiên liệu nhập khẩu của nước này.
Theo IEEFA, châu Âu đã trả 16,1 tỷ Euro cho toàn bộ khí đốt có nguồn gốc từ Nga vào năm 2022. Năm 2023, xu hướng này không thay đổi.
Nghiên cứu trên nhận định: “Nếu bạn nhìn vào khối lượng LNG được mua, chúng đã vào khoảng 14 tỷ m3. Bất chấp nhiều lệnh trừng phạt thương mại, các nước EU đã trả cho Nga 12,5 tỷ Euro chỉ từ tháng 1 – 9/2023”.
Trong khi đó, theo báo cáo của Standard & Poor, trong 11 tháng năm 2023, đã có 13,5 triệu tấn LNG của Nga được chuyển đến châu Âu, thấp hơn một chút so với cả năm 2022 (14 triệu tấn).
Một mặt, nhiều công ty châu Âu có hợp đồng dài hạn mua khí đốt Nga – và các hợp đồng này tiếp tục được thực hiện. Mặt khác, ở Tây Ban Nha, các nhà khai thác Moscow đã đăng ký trong hệ thống, từ đó người dùng có thể mua hàng.
Ông Mariano Marco, Giám đốc đơn vị chuyển đổi năng lượng tại Đại học Barcelona, giải thích: “Một khía cạnh quan trọng khác là Tây Ban Nha có một trong những nhà máy tái hóa khí lớn nhất ở EU, khiến nơi đây trở thành trung tâm vận chuyển và tái xuất khẩu LNG sang châu Âu”.
Chuyên gia này cho biết thêm: “Tây Ban Nha đã tái xuất 1,05 tỷ m3 LNG từ tháng 1 - 9/2023, với lượng tái xuất sang Italy tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái”.
Chưa thể “thoát Nga” về khí đốt
Về vấn đề trên, mới đây, báo El Periodico de la Energia viết: Người châu Âu sẵn sàng lấy LNG từ Nga cho mục đích đầu cơ - họ nhận hàng tại cảng của mình và ngay lập tức bán lại cho các nước khác. Lời giải thích rất đơn giản - chúng tôi không mua cho mình mà để bán lại. Do đó, “EU nhắm mắt làm ngơ trước 21% tổng khối lượng LNG mua từ Nga”.
Trong các tháng 7-8/2023, các nhà máy LNG chính của Nga ở Sakhalin và Yamal đã giảm đáng kể hoạt động sản xuất để phục vụ công tác bảo dưỡng kỹ thuật. Tuy nhiên, vào mùa Thu, xuất khẩu LNG bắt đầu tăng trở lại.
Tháng 11/2023, Nga đã xuất khẩu lượng LNG kỷ lục tới châu Âu - 1,75 triệu tấn, và các chuyên gia tin rằng, tháng 12, con số sẽ còn cao hơn nữa.
Các quốc gia được coi là “không thân thiện” với Nga, chỉ cách đây vài tháng đã tuyên bố từ chối hoàn toàn mua LNG từ Moscow, nhưng hiện đang nói về việc tiếp tục nhập khẩu. Vào tháng 10/2023, CH Czech bắt đầu mua lại LNG của Nga. Trong khi đó, ngày 10/12, Hà Lan cũng ra quyết định tương tự.
Hiện tại, một số công ty lớn ở châu Âu đã có thỏa thuận dài hạn về việc mua khí đốt qua đường ống và LNG của Nga. Công ty nhà nước OMV của Áo có hợp đồng với Gazprom đến năm 2040.
Tháng 7/2015, Engie của Pháp và Yamal của Nga đã ký kết thỏa thuận cung cấp LNG trong thời hạn 23 năm. Vào năm 2018, hợp đồng này đã được tập đoàn Total của Pháp kế thừa.
Giám đốc điều hành Patrick Pouillant của Total cho biết, “không có ý định chấm dứt quan hệ với người Nga, ít nhất là cho đến khi EU đưa ra lệnh cấm chắc chắn đối với việc mua tất cả các loại khí đốt từ Moscow".
Trong khi đó, công ty Flikus của Bỉ có hợp đồng 20 năm với tập đoàn Yamal của Nga, và cũng chưa muốn chấm dứt hợp tác.
Ngoài ra, công ty Nature của Tây Ban Nha đã ký thỏa thuận mua LNG của Nga đến năm 2042 (2,7 triệu tấn mỗi năm), cũng không vội cắt đứt quan hệ. Ngay từ tháng 2/2022, Chủ tịch Nature Francisco Reynes đã bày tỏ ý kiến về quan điểm cho rằng “cần thiết phải khắc phục sự phụ thuộc về khí đốt của EU vào Liên bang Nga”.
Ông nói: “Nature luôn thực hiện hai điều: nghĩa vụ của mình và các điều khoản của hợp đồng. Phải có lý do chính đáng cho việc chấm dứt hợp đồng. Và hôm nay không có lý do gì cho điều đó cả”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khởi động dây chuyền đầu tiên trong dự án LNG-2 Bắc Cực tại Murmansk, Nga, tháng 7/2023. (Nguồn: AFP) |
Theo các nguồn tin phương Tây, tỷ trọng LNG của Nga trong tổng khối lượng khí hóa lỏng mà EU mua là 7,3%. Về nguồn cung cấp LNG cho khối này, Nga đứng thứ hai, chỉ sau Mỹ và đẩy Qatar xuống vị trí thứ ba.
Tình huống này “không được lòng” Washington, vốn hy vọng sẽ buộc châu Âu phải sử dụng hoàn toàn LNG của Mỹ. Tại Nhà Trắng, Trợ lý Ngoại trưởng Jeffrey Payatt đã tuyên bố: “Mục tiêu của chúng tôi là bóp nghẹt dự án LNG-2 ở Bắc Cực, dự án LNG lớn nhất của Nga”.
Việc trừng phạt dự án LNG-2 ở Bắc Cực sẽ không chỉ ảnh hưởng đến châu Âu. Trong số các cổ đông của dự án có tập đoàn Mitsui của Nhật Bản, sở hữu 10% cổ phần. Mutsui sẽ không nhận cổ tức bằng tiền mà bằng hàng hóa, 2 triệu tấn LNG mỗi năm, tương đương 3% tổng lượng hàng nhập khẩu của Nhật Bản. Với đất nước Mặt trời mọc, khí đốt đóng vai trò rất quan trọng. Khoảng 30% tổng lượng điện sử dụng ở quốc gia này được sản xuất từ khí đốt.
Được biết, vào năm 2023, Nga có kế hoạch cung cấp khoảng 32 triệu tấn LNG cho thị trường quốc tế. Việc vận hành cả ba tàu LNG-2 ở Bắc Cực sẽ tăng con số này thêm 20 triệu tấn. Tàu đầu tiên dự kiến giao hàng vào quý I năm nay.
Mỹ đã xuất khẩu 133,7 triệu tấn LNG trong năm 2023, trong đó có 86 triệu tấn sang châu Âu. Do đó, việc Nga triển khai dự án LNG-2 ở Bắc Cực sẽ trở thành trở ngại nghiêm trọng cho Washington trên con đường giành quyền bá chủ thị trường LNG thế giới.
Đến năm 2027, theo kế hoạch của EU, một số nhà máy LNG mới sẽ được đưa vào hoạt động ở Mỹ. Một nhà máy khác đang được xây dựng ở Qatar. Việc tăng cường sản xuất ở các nước này cũng sẽ làm tăng khối lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường nước ngoài.
Do đó, người châu Âu có thể để từ bỏ hoàn toàn LNG của Nga, vốn rẻ hơn, để chuyển sang sử dụng LNG của Mỹ và Qatar. Đến lúc đó, quá trình chuyển các gã khổng lồ công nghiệp châu Âu sang Mỹ có thể được hoàn thành, làm giảm nhu cầu thực sự về tài nguyên năng lượng của lục địa già.
Tuy nhiên, cũng có thể lợi ích kinh tế sẽ quyết định hành động của EU trong việc có tiếp tục mua LNG từ Nga hay không. Trong mọi trường hợp, Moscow không nên lãng phí thời gian để đoán xem liệu người châu Âu có sử dụng khí đốt hay không. Ngoài ra, nhu cầu tối đa về tài nguyên năng lượng hiện tại (và trong tương lai) đang ở Trung Quốc, Ấn Độ và các nước châu Á khác, những thị trường được coi là rất tiềm năng đối với Nga.