Kinh tế Trung Quốc quý I/2024 tăng trưởng mạnh hơn dự kiến. (Nguồn: AFP) |
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh hơn dự kiến trong ba tháng đầu năm 2024, chủ yếu nhờ lĩnh vực sản xuất công nghệ cao.
5% - mức tăng trưởng trong tầm tay
Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), trong quý I/2024, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng 5,3% trong quý đầu tiên so với một năm trước. Con số này đánh bại ước tính tăng trưởng 4,6% từ cuộc thăm dò ý kiến của các nhà kinh tế của Reuters.
Con số này cũng đánh dấu sự tăng tốc từ mức tăng trưởng 5,2% của quý IV/2023.
Sheng Laiyun, người phát ngôn của NBS cho hay: “Nền kinh tế Trung Quốc đã có một khởi đầu tốt trong quý đầu tiên, tạo nền tảng tốt để đạt được các mục tiêu cho cả năm”. Tuy nhiên, ông thừa nhận, “nền tảng cho sự ổn định và cải thiện kinh tế vẫn chưa vững chắc”.
Tin liên quan |
Kinh tế Trung Quốc quý I/2024 tăng trưởng cao hơn dự báo |
Sản xuất công nghiệp tăng 6,1% trong quý đầu tiên của năm so với một năm trước, được thúc đẩy nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao. Đặc biệt, việc sản xuất thiết bị in 3D, trạm sạc cho xe điện (EV) và linh kiện điện tử đều tăng vọt khoảng 40% so với một năm trước đó.
Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ tăng 4,7% trong khoảng thời gian này, được thúc đẩy nhờ chi tiêu cho các hoạt động thể thao và giải trí, cũng như dịch vụ ăn uống. Đầu tư vào tài sản cố định - như nhà máy, đường sá và lưới điện - cũng tăng 4,5% trong cùng kỳ.
Tháng trước, một cuộc khảo sát chính thức cho thấy, chỉ số quản lý mua hàng sản xuất (PMI) của Trung Quốc đã tăng lần đầu tiên sau 6 tháng. Chỉ số PMI sản xuất Caixin/S&P cũng đạt mức cao nhất trong hơn một năm do nhu cầu ở nước ngoài tăng lên.
Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm khoảng 5% cho năm 2024 - điều mà nhiều nhà phân tích từng cho là đầy tham vọng, vì niềm tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp vẫn còn yếu và lĩnh vực bất động sản đang sa lầy trong tình trạng suy thoái kéo dài.
Chính quyền Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất trong năm nay để tăng cường cho vay ngân hàng và tăng tốc chi tiêu của chính phủ trung ương để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, khi kết quả tăng trưởng GDP quý I/2024 được công bố, ông Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của HSBC cho hay: “Mức tăng trưởng GDP 'khoảng 5%' vào năm 2024 của Trung Quốc dường như nằm trong tầm tay".
Trợ lực từ 3 ngành công nghiệp mới
Dù vậy, vẫn còn rất nhiều mối lo ngại trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ông Harry Murphy Cruise, chuyên gia kinh tế tại Moody's Analytics cho hay, có sự mất cân đối ngày càng tăng trong nền kinh tế Trung Quốc. Các nhà sản xuất đang phải gánh những gánh nặng lớn, trong khi các hộ gia đình đứng bên lề của câu chuyện.
Phần lớn tin tốt trong lĩnh vực sản xuất đến từ 3 ngành công nghiệp mới của Trung Quốc: xe điện, tấm pin mặt trời và pin.
Ông Cruise nhận định: “Các quan chức đã chi rất nhiều để hỗ trợ các ngành công nghiệp chiến lược này và đang gặt hái những thành quả khi sản xuất và xuất khẩu - đặc biệt là trong lĩnh vực xe điện - tăng vọt".
Nhưng chiến lược này không phải là không có rủi ro.
Mỹ và Liên minh châu Âu ngày càng lo ngại rằng, tình trạng dư thừa năng lực của Bắc Kinh trong các lĩnh vực này đang tràn ngập thị trường toàn cầu và cản trở các ngành công nghiệp của họ.
Bình luận của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây nêu bật sự sẵn sàng can thiệp bằng thuế quan nếu thấy cần thiết.
Bà bày tỏ lo ngại đang gia tăng về việc năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến suy thoái kinh tế toàn cầu.
"Nền kinh tế Trung Quốc quá lớn để chỉ dựa vào xuất khẩu cho việc tăng trưởng nhanh chóng. Bắc Kinh sẽ hưởng lợi khi giảm năng suất công nghiệp dư thừa - điều cũng đang gây áp lực lên các nền kinh tế khác. Dư thừa năng suất không phải là một vấn đề mới, nhưng nó ngày càng trầm trọng hơn, và chúng ta có thể thấy có nhiều rủi ro mới nổi trong các lĩnh vực mới", bà Janet Yellen nói.
Chuyên gia kinh tế tại Moody's Analytics nhận thấy, nếu Mỹ can thiệp về thuế quan, điểm sáng trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc sẽ bị suy giảm.
Có sự mất cân đối ngày càng tăng trong nền kinh tế Trung Quốc. (Nguồn: CNN) |
Thêm lực cản lớn
Thị trường bất động sản cũng là một lực cản lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Theo dữ liệu của NBS, đầu tư bất động sản đã giảm 9,5% trong quý đầu tiên năm 2024 so với một năm trước. Doanh số bán bất động sản mới giảm 27,6% trong cùng kỳ. Ngoài ra, theo tính toán của Goldman Sachs dựa trên dữ liệu mới nhất của NBS, giá nhà mới ở 70 thành phố đã giảm 2% trong tháng 3 so với một năm trước đó, nhanh hơn mức giảm 1,3% của tháng 2.
Ông Cruise nói: “Những tai ương của thị trường bất động sản vẫn đang tiếp diễn".
Thị trường bất động sản gặp khó khăn đang đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng khi 70% tài sản hộ gia đình Trung Quốc gắn liền với bất động sản.
Thên vào đó, triển vọng thị trường lao động và tình trạng bất ổn kinh tế cũng đang cản trở chi tiêu hộ gia đình.
Trong tháng 3, tăng trưởng doanh số bán lẻ đã giảm xuống 3,1%, từ mức 5,5% trong tháng 2.
NBS cho hay, niềm tin của hộ gia đình đối với thị trường việc làm và thu nhập đang ở gần "đáy lịch sử", điều này đã kéo doanh số bán lẻ trong tháng 3 giảm do nhu cầu đã được giải phóng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Nhà đầu tư nước ngoài mất niềm tin
Niềm tin vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của các nhà đầu tư nước ngoài - khu vực đã giúp tăng trưởng năng lượng trong những ngày bùng nổ của Trung Quốc - cũng vẫn còn yếu.
Mức tăng trưởng đầu tư trong quý I/2024 chủ yếu đến từ các doanh nghiệp nhà nước. Đầu tư của khu vực tư nhân chỉ tăng 0,5% trong thời điểm này.
Đối với các công ty nước ngoài, đầu tư của họ vào nước này đã giảm 10,4% trong ba tháng đầu năm 2024.
Bắc Kinh đã đặt việc phục hồi tăng trưởng kinh tế thành ưu tiên hàng đầu trong năm nay và đã đổi mới nỗ lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Mới nhất, ngày 16/4, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz và kêu gọi hai nước tăng cường thương mại, tăng cường hợp tác về sản xuất máy móc, ô tô và trí tuệ nhân tạo.
Trong khi đó, Thủ tướng Scholz cho biết, Đức hoan nghênh nhập khẩu ô tô Trung Quốc nhưng cảnh báo chống bán phá giá, sản xuất thừa và vi phạm sở hữu trí tuệ.
Tháng trước, ông Tập đã gặp hơn chục CEO và học giả Mỹ ở Bắc Kinh và mời họ “tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc”. Ông bày tỏ tin tưởng đất nước sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng lành mạnh và bền vững trong những tháng tới.
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% vào năm 2023, đánh dấu sự tăng trưởng đáng kể so với năm 2022, nhưng vẫn là mức nhất của đất nước trong hơn ba thập niên.
Về triển vọng tăng trưởng trong năm nay, nhà kinh tế Cruise cho rằng, con số tăng trưởng mạnh mẽ trong quý đầu tiên giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu khoảng 5% trong năm.
Tuy nhiên, theo ông, triển vọng tăng trưởng trung hạn xoay quanh việc mở rộng các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Vì vậy, "nếu các hộ gia đình không nới lỏng hầu bao, nền kinh tế có nguy cơ có quá nhiều trứng trong một giỏ” - nhà kinh tế Cruise nhìn nhận.
| Hệ thống thị thực 'kiểu Schengen' cho 6 quốc gia ASEAN - cú hích tăng cường hội nhập kinh tế? Hệ thống thị thực tương tự khu vực Schengen cho 6 quốc gia ASEAN sẽ thúc đẩy du lịch và giao thương… |
| Cỗ máy kinh tế châu Âu lao đao vì 'lỡ chuyến' với Nga, Đức chỉ còn cách đi lại 'vết xe cũ' và tin vào Trung Quốc Trong bối cảnh chỉ còn hơn một năm nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Liên bang, Thủ tướng Olaf Scholz - nhà lãnh đạo ... |
| Kinh tế Trung Quốc quý I/2024 tăng trưởng cao hơn dự báo Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, trong quý I/2024, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng trưởng 5,3% so với ... |
| Mỹ có 'kế sách' mới chi hàng chục tỷ cho Ukraine, lộ 'số phận' tài sản Nga bị đóng băng, Moscow không 'ngồi yên' Một đề xuất mới đây của Mỹ cho thấy, Ukraine có thể có hàng chục tỷ Euro thông qua phát hành trái phiếu hoặc khoản ... |
| IMF: Không có nền kinh tế phát triển nào trên thế giới có tốc độ tăng trưởng èo uột như Đức Ngày 16/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng đối với nền kinh tế Đức, từ mức 0,5% như dự ... |