Người dân tham gia hội chợ việc làm tại Washington DC., Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Sau một thập kỷ mở rộng liên tiếp, hoạt động tuyển dụng tại Mỹ đã tăng chậm lại đáng kể so với tốc độ của năm 2018. Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, năm 2019 là năm ghi nhận mức kiến tạo việc làm yếu nhất kể từ năm 2011 với chỉ 2,1 triệu việc làm được tạo ra. Trung bình trong mỗi tháng của năm 2019, nền kinh tế đã bổ sung khoảng 175.000 vị trí việc làm mới, giảm mạnh so với mức tăng trung bình hàng tháng là 225.000 việc làm của năm 2018.
Tính riêng trong tháng cuối cùng của năm 2019, thị trường việc làm của Mỹ chỉ tạo ra thêm 145.000 vị trí mới, mức thấp nhất trong bảy tháng và yếu hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế.
Trong cùng giai đoạn, lĩnh vực sản xuất, vốn đang rơi vào suy thoái bởi các cuộc chiến thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng cũng như tình hình kinh tế toàn cầu trì trệ, đã giảm bớt hoạt động tuyển dụng công nhân lần thứ ba trong năm 2019. Song các lĩnh vực bán lẻ, khách sạn, nhà hàng, giáo dục, xây dựng và chăm sóc sức khỏe đã dẫn đầu hoạt động tuyển dụng vào tháng trước, cho thấy sự “dẻo dai” của ngành dịch vụ Mỹ.
Cũng theo báo cáo, mức lương của công nhân chỉ tăng 2,9% so với hồi tháng 12/2018, đánh dấu lần đầu tiên chỉ số này ở dưới mức 3% kể từ tháng 7/2018. Song mức tăng lương vẫn cao hơn lạm phát tiêu dùng vào cùng giai đoạn, giúp người lao động có nhiều tiền mặt hơn để chi tiêu.
Khi tăng trưởng của Mỹ chậm lại vào năm 2019, chi tiêu tiêu dùng tiếp tục là nền tảng chính hỗ trợ cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng giới phân tích cảnh báo rằng nền tảng này có thể yếu đi nếu tăng trưởng việc làm tại Mỹ chững lại. Hiện tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn giữ ổn định ở mức thấp của 50 năm là 3,5%.
Giới quan sát lưu ý tổng lực lượng lao động – bao gồm cả những người đang có việc làm hoặc đang tích cực tìm kiếm việc làm - đã tăng nhanh hơn so với tốc độ tạo việc làm vào tháng 12. Nếu diễn biến này trở thành một xu hướng, nó có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng trở lại.
Các nhà kinh tế của công ty tư vấn tài chính Oxford Economics nói rằng sang năm 2020, những “cơn gió ngược” kéo dài trên nền kinh tế toàn cầu, sự không chắc chắn về chính sách và sự thận trọng của các doanh nghiệp có thể kiềm chế nhu cầu lao động trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng thắt chặt, qua đó ảnh hưởng tới hoạt động tiêu dùng.
Bên cạnh đó, giới quan sát lưu ý rằng những số liệu việc làm vẫn khá vững chắc dường như chưa thể thay đổi đánh giá của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rằng nền kinh tế hiện tại không cần thêm các biện pháp kích thích.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed đã nhiều lần nói rằng lãi suất tại thời điểm này đang ở "vị trí hợp lý" sau ba lần cắt giảm liên tiếp trong nửa cuối năm 2019. Họ sẽ chỉ xem xét việc điều chỉnh nếu có yếu tố nào thay đổi đáng kể triển vọng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, nhà kinh tế Ian Shepherdson của công ty nghiên cứu Pantheon Macroeconomics nhận định Fed vẫn có tiềm năng tăng lãi suất vì các doanh nghiệp dường như đã đánh giá quá cao tác động thực sự của cuộc chiến thương mại đối với việc tuyển dụng.
Ông dự báo tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ tiếp tục giảm và hướng tới mức 3% vào cuối năm nay. Khi đó, ông hy vọng sẽ thấy Fed đưa ra bàn thảo về việc nâng lãi suất lên cao hơn, chứ không phải giảm bớt.