Nhỏ Bình thường Lớn

Mục tiêu chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Abe

Trả lời phỏng vấn tờ The Nikkei Asian Review ngày 9/4, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush (2001-2005) Richard Armitage cho rằng chuyến thăm Mỹ vào ngày 26/4 tới của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có hai mục tiêu.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush (2001-2005), Richard Armitage.


Thứ nhất là việc đàm phán thỏa thuận về Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), thứ hai là thăm dò quan điểm của Mỹ về những thay đổi trong Hiến pháp quốc gia về quân sự. Theo kế hoạch, bên cạnh hội đàm với Tổng thống Barack Obama, ông Abe cũng có thể sẽ tham gia một phiên họp chung của Quốc hội.

Theo ông, đâu là chủ đề quan trọng trong chuyến thăm của Thủ tướng Abe?

Tôi nghĩ rằng chuyến thăm hướng tới kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ Hai. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng sẽ đề cập tới TPP. Ngài Akira Amari, Bộ trưởng phụ trách đàm phán TPP của Nhật Bản, cũng nhấn mạnh rằng Tổng thống Obama cần phải chú trọng hơn tới vấn đề này.

Ông đánh giá như thế nào về việc Thủ tướng Abe nới lỏng Hiến pháp về vấn đề quân sự?

Điều quan trọng nhất trong quyết định của Nội các Nhật Bản về sửa đổi Hiến pháp liên quan đến vấn đề quân sự đó là Nhật Bản được phép vận dụng linh hoạt quyền “phòng vệ tập thể”. Điều này đã loại bỏ những trở ngại pháp lý ngăn cản Mỹ và Nhật Bản hợp tác một cách công khai về quân sự khi có sự việc bất thường xảy ra tại một trong hai nước.

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của ông Abe là bước khởi động tuyệt vời, góp phần củng cố liên minh Mỹ - Nhật.

Ông Abe sẽ là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên tham gia vào một phiên họp chung của Quốc hội. Ai là người đã đưa ra đề xuất này, thưa ông?

Chính quan hệ Mỹ - Nhật là động lực dẫn đến việc này. Chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe không giống như chuyến thăm của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện John Boehner ngày 3/3 vừa qua. Ông Shinzo Abe luôn được chào đón bởi tất cả người Mỹ vì Nhật Bản là một đồng minh, một người bạn thân thiết với Mỹ trong suốt 70 năm qua. Tôi nghĩ chính Nhà Trắng đã chủ động mời ông Abe tham dự cuộc họp Quốc hội, và Quốc hội chắc chắn đồng ý điều này. Đến thời điểm hiện tại, tôi chưa thấy trong Quốc hội có tranh cãi gì về vấn đề này.

Tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku giữa Trung Quốc và Nhật Bản vẫn đang tiếp diễn. Ông có nghĩ rằng Thủ tướng Abe sẽ đề cập tới vấn đề này trong cuộc gặp với Tổng thống Obama?

Cuối tháng 4/2014, Tổng thống Obama đã đưa ra tuyên bố về vấn đề tranh chấp tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Tổng thống Obama đã nêu rõ rằng Điều 5 trong Hiệp định an ninh Mỹ - Nhật có bao gồm việc bảo vệ quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Tôi hy vọng rằng ông Obama cũng sẽ nêu lại quan điểm này nếu thấy cần thiết.

Một số người cho rằng việc suy giảm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Đông Á sẽ tạo đà cho Trung Quốc hành động ngày càng quyết liệt hơn tại khu vực này. Ông có đồng tình với quan điểm này?

Không, dĩ nhiên là tôi không đồng ý.

* Naoya Yoshino, phóng viên Nikkei (thực hiện)

Phạm Hằng (lược dịch)