Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh, đoàn Quảng Trị, hiện đất nước đang có nhiều lợi thế, kinh tế đang theo đà tăng trưởng của năm 2017, tăng trưởng kinh tế quý I năm nay đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Thêm vào đó, nền kinh tế được cơ cấu lại theo hướng tích cực, các nhóm ngành dịch vụ, công nghiệp, công nghiệp chế biến, nông nghiệp… đang trên đà tăng trưởng. Môi trường đầu tư thuận lợi đang tạo đà cho sự phát triển đất nước.
“Môi trường đầu tư đang được cải thiện khả quan, năm 2017 tăng rất nhiều bậc. Chính phủ không dừng lại ở đó và đang tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện tốt hơn. Dòng đầu tư của nước ngoài cũng đổ vào rất lớn, doanh nghiệp trong nước có nhiều khởi sắc. Tôi tin tưởng rằng năng lực sản xuất trong nước sẽ phát triển”, ông Đỗ Văn Sinh cho biết.
Đại biểu Trần Anh Tuấn, đoàn TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong xu hướng hiện tại có khả năng đáp ứng đạt được mục tiêu đề ra, kinh tế đang phát triển tốt, mặc dù còn nhiều vấn đề cần phải hoàn thiện. Cụ thể, trong quá trình sản xuất cần định hướng phát triển những sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ, có giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh việc liên kết ngành, liên kết vùng, phát triển các mặt hàng xuất khẩu nhằm đáp ứng các điều kiện trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng như hiện nay.
“Trong bối cảnh thuận lợi, môi trường thể chế đang được cải cách, tác động bên ngoài mang tính thuận lợi nhiều hơn khi chúng ta đang hội nhập sâu rộng. Khi đó thị trường của đất nước được mở rộng, với đà phát triển kinh tế như hiện nay thì mục tiêu tăng trưởng đạt được rất cao”.
Các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% là có thể đạt được. (Nguồn:Info.net) |
Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, đoàn An Giang, thời gian qua, Chính phủ điều hành nhạy bén và linh hoạt, các chỉ tiêu vĩ mô ổn định. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế theo hướng bền vững và tạo đà vững chắc trong những năm tiếp theo, Chính phủ cần quan tâm đến đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, bởi đây là lực lượng, là động lực của nền kinh tế. Do đó cần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho lực lượng này phát triển. Thu hút doanh nghiệp FDI là nguồn lực rất cần thiết cho phát triển kinh tế nhưng cần có chính sách đặc thù theo hướng cân bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
“Chúng ta nên sắp xếp lại những chính sách đặc thù của doanh nghiệp FDI và chính sách cho doanh nghiệp trong nước mang tính công bằng hơn để tạo động lực cho doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển mạnh đáp ứng yêu cầu trong thời gian tới. Trên cơ sở dự báo tình hình, triển khai của các chỉ tiêu vĩ mô, nỗ lực của Chính phủ hiện nay năm 2018 này khả năng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng đặt ra”, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cho hay.