Nhỏ Bình thường Lớn

Mừng hụt với dự án FDI khủng

Lại thêm những dự án hàng tỷ USD nói lời từ biệt Việt Nam, như dự án Thép Cà Ná – Ninh Thuận (9,8 tỷ USD); Bãi Biển Rồng Quảng Nam (4 tỷ USD); TP. Sáng tạo Nam Phú Yên (1,68 tỷ USD)…
Ảnh minh họa.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ kế hoạch & Đầu tư), không ít trong số gần 30 dự án tỷ USD được cấp phép từ năm 2007 đến nay đã bị rút phép và giải thể trước hạn, chưa kể nhiều dự án tỷ USD khác vẫn đang giậm chân tại chỗ. Bởi vậy, bên cạnh sự vui mừng vì nhận thêm hàng tỷ USD từ những dự án FDI mới hoặc tăng vốn, nhiều chuyên gia tỏ quan điểm cần phải thận trọng, khi việc cấp phép các dự án này có thể để lại những ảnh hưởng không tốt.

“Mong manh” dự án tỷ USD

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài trong hội nghị tổng kết 25 năm thu hút FDI cho hay, tổng vốn FDI đăng ký là 211 tỷ USD nhưng giải ngân thực tế chỉ đạt gần 98 tỷ USD, bằng 47% vốn đăng ký. Trong khi đó, vì lý do thực thi cam kết chậm chạp, ngày càng nhiều dự án nước ngoài bị địa phương thu hồi, trong đó có không ít các siêu dự án.

Với các dự án tỷ USD, theo các chuyên gia kinh tế, không chỉ sự “mong manh” trong triển khai mới đáng lo, mà khoảng cách quá lớn giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện cũng là điều đáng quan tâm. Và hiện ở các dự án triển khai chậm, vốn giải ngân chiếm tỷ lệ rất thấp.

“Tôi không quan tâm đến vốn FDI đăng ký, đây chỉ phản ánh xu thế", Giáo sư Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nói. Còn TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, các dự án FDI thực thi không đúng thời hạn là do chủ đầu tư đưa ra một dự án lớn nhưng không tìm đủ vốn triển khai hoặc họ chỉ vào để "xí chỗ".

Bày tỏ thẳng thắn quan điểm, GS. Nguyễn Mại cho rằng, đối với các dự án chậm hoặc không có khả năng triển khai, nên sớm được “dọn dẹp” để dành chỗ cho những nhà đầu tư có năng lực.

Ngổn ngang trăm mối lo

Tất nhiên, bên cạnh nguyên nhân từ phía chủ đầu tư, dự án FDI chậm trễ triển khai cũng do phía tỉnh thành không bàn giao được mặt bằng đúng hạn, hoặc không thực hiện đủ các cam kết ưu đãi đã đưa ra. Tuy nhiên, GS. Nguyễn Mại cũng đặt vấn đề "thực chất các dự án FDI đang đóng góp bao nhiêu?". Đại gia Coca Cola mục tiêu đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam, tuy nhiên, từ năm 1994 đến nay, chưa đóng một đồng thuế nào với lý do "thua lỗ". Hay như Samsung Electronics Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2013 nộp được 429 triệu đồng tiền thuế, trong khi dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm đạt khoảng 30 tỷ USD… Ngoài ra, việc thu hút ồ ạt vốn FDI còn cần phải tính đến cung cầu trong tương lai.

Theo số liệu 5 tháng của năm 2013 của Cục Đầu tư nước ngoài, bên cạnh các dự án mới, nhà đầu tư hiện đang tích cực rót thêm vốn vào các dự án đang triển khai. Cụ thể, đã có 160 lượt dự án FDI tăng vốn trị giá hơn 3,4 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng chung 9% của lượng vốn FDI đổ vào cả nước.

Đi cùng với việc tăng vốn hàng tỷ USD chính là việc nâng công suất cho các dự án. Lấy ví dụ từ ngành thép và năng lượng, mới đây, dự án lọc hóa dầu Vũng Rô vừa xin tăng vốn lên gấp đôi lên 3,2 tỷ USD (công suất ban đầu là 4 triệu tấn sản phẩm/năm). Còn Formosa đang đề xuất tăng vốn gần 3 lần, lên 28,5 tỷ USD cho dự án nhà máy gang thép tại Hà Tĩnh với tham vọng tăng công suất lên gấp 3 lần so với hiện nay…

Với những dự tính trên, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) TS. Lưu Bích Hồ nhận xét, những cam kết tăng vốn này sẽ khiến Việt Nam đạt được thành tựu không nhỏ trong kế hoạch thu hút FDI hàng năm, song cũng đặt ra nhiều lo ngại khi quy hoạch ngành năng lượng, sắt thép trong nước sẽ bị ảnh hưởng. Bởi hiện nay Việt Nam đang có khoảng 4 đến 5 dự án lọc hóa dầu xin cấp phép hoặc đang triển khai bên cạnh nhà máy lọc dầu Dung Quất. Còn ngành thép, hiện nay nguồn cung trong nước còn đang có dấu hiệu dư thừa.

Thu Thủy