📞

Muốn rời xa khí đốt Nga nhưng lại lo giá năng lượng 'bùng nổ', Áo loay hoay vấn đề liên quan đến Gazprom

Linh Chi 18:28 | 08/03/2024
Tháng 2/2024, Áo buộc phải thừa nhận rằng, khí đốt của Nga chiếm tới 98% nguồn cung cấp khí đốt của nước này. Năm nay, khi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Nga bước sang năm thứ 3, liệu Áo có thể thoát khỏi sự phụ thuộc của mình vào nguồn khí đốt từ Moscow?
Áo đã nhập khẩu khí đốt từ Nga trong năm 2023 với số lượng lớn. (Nguồn: RT)

Giữa tháng 2/2024, Bộ trưởng Năng lượng Áo Leonore Gewessler kêu gọi thực hiện các bước đi triệt để để cắt giảm sự phụ thuộc của nước này vào khí đốt của Nga, kể cả việc phá vỡ thỏa thuận dài hạn mà công ty năng lượng nhà nước OMV có với Gazprom của Nga cho đến năm 2040.

Theo bà Gewessler, vào tháng 12/2023, tỷ trọng khí đốt của Nga trong tổng lượng khí đốt nhập khẩu của Áo đã tăng lên mức kỷ lục mới là 98%, từ mức 76% của tháng trước.

Bộ trưởng cho biết: “Thị trường và các công ty năng lượng đã không hoàn thành trách nhiệm của mình trong việc giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Chúng ta phải chuẩn bị rút khỏi các hợp đồng dài hạn của OMV”.

Bà Gewessler đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, việc Áo tiếp tục nhập khẩu khí đốt giúp Điện Kremlin có thêm tiền để duy trì chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Alfons Haber, người đứng đầu cơ quan quản lý E-Control cho biết, việc thoát khỏi khí đốt của Nga có thể xảy ra ngay lập tức bởi "chúng tôi có mức dự trữ cao và thị trường khí đốt châu Âu có tính thanh khoản cao, guồn cung cấp thay thế có sẵn".

"Mức dự trữ khí đốt ở mức dưới 80% đủ để cung cấp cho đất nước trong cả năm, ngay cả khi không cần nhập khẩu thêm khí đốt", ông Alfons Haber nói.

Cùng quan điểm, Othmar Karas, Phó chủ tịch Nghị viện châu Âu cho rằng: “Chúng tôi không cần khí đốt của Nga và chúng tôi không muốn khí đốt của nước này. Nguồn cung cấp khí đốt của Áo đã được đảm bảo nếu không có khí đốt của Moscow cho đến cuối năm 2025".

Thoát khỏi khí đốt của Nga đồng nghĩa với việc sẽ phá vỡ hợp đồng với Gazprom mà công ty tiện ích OMV đã ký vào năm 2018 để cung cấp 6 tỷ m3 (bcm) mỗi năm - gần như toàn bộ nhu cầu khí đốt của Áo - kéo dài đến năm 2040.

Tuy nhiên, ông Axel Kassegger, thành viên Đảng Tự do của Áo cảnh báo, kế hoạch chấm dứt hợp đồng dài hạn mua khí đốt của Moscow có thể khiến giá năng lượng “bùng nổ” và gây ra lạm phát ở nước này. Ông kêu gọi thành viên của các đảng chính trị khác hãy “rung chuông” và nói “không” với ý tưởng này ngay lập tức.

Ông Othmar Karas cũng nhận thấy, cơ hội tốt nhất để hủy bỏ hợp đồng với Gazprom đã bị bỏ lỡ. “Áo đã có khả năng rút khỏi hợp đồng một năm trước - khi Nga không cung cấp lượng năng lượng như đã hứa và thỏa thuận trong hợp đồng. Cơ hội này đã mất”, ông nhấn mạnh.

Thời điểm đó, khi OMV không hủy hợp đồng, trên thực tế, điều đó báo hiệu rằng việc cắt giảm nguồn cung khí đốt là có thể chấp nhận được. Phía OMV cho rằng, việc từ bỏ khí đốt Nga là điều không thể và sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, an ninh năng lượng của nước này.

Thủ tướng Áo Karl Nehammer cũng nhận thấy, một ngày nào đó nước này có thể không có khí đốt của Moscow nhưng điều này khó có thể xảy ra trong thời gian ngắn.

Ông nhấn mạnh, hiện tại, Vienna sẽ tiếp tục mua nhiên liệu từ Moscow.

Vị Thủ tướng này khẳng định: "Nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Áo - OMV - đã ký hợp đồng với Gazprom cho đến năm 2040 và không thể đơn giản rút khỏi hợp đồng đó chỉ bằng một nét bút".

EU có kế hoạch loại bỏ hoàn toàn việc nhập khẩu năng lượng từ Nga vào năm 2027. Tuy nhiên, nhiều quốc gia thành viên vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn khí đốt từ quốc gia bị trừng phạt này - đặc biệt là Áo và Hungary.

Năm 2023, trong khi hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cắt giảm nhập khẩu khí đốt của Nga do chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine thì Áo đã tăng cường mua khí đốt của Nga.

(theo Euractiv, AFP)