Phụ nữ Iraq phản đối dự luật cho phép kết hôn với trẻ em gái vị thành niên tại quảng trường Tahrir ở Baghdad ngày 28/7. (Nguồn: AP) |
“Đưa đất nước quay lại 1.500 năm trước”
Bà Shaimaa Saadoun vẫn luôn ám ảnh bởi ký ức của cuộc hôn nhân đầy bạo lực với người đàn ông 39 tuổi ngay khi bà tròn 13 tuổi, với hy vọng rằng sính lễ gồm vàng và tiền bạc sẽ giúp gia đình thoát cảnh khốn khó. “Tôi bị bắt trở thành vợ và mẹ trong khi bản thân vẫn chỉ là một đứa trẻ. Không đứa trẻ hay thiếu niên nào nên bị trói buộc với cuộc đời như tôi đã trải qua”, bà Saadoun chia sẻ.
Cuộc hôn nhân của bà Saadoun là bất hợp pháp, nhưng một thẩm phán có quan hệ họ hàng với người chồng đã chấp thuận, dù luật pháp Iraq quy định độ tuổi kết hôn tối thiểu là 18.
Song, những cuộc tảo hôn như vậy có thể sớm được nhà nước hợp pháp hóa. Quốc hội Iraq đang xem xét dự thảo luật nhằm trao nhiều quyền lực hơn cho các giáo sĩ trong luật gia đình. Động thái này khiến các tổ chức nhân quyền ngay lập tức đưa ra cảnh báo về nguy cơ tảo hôn với các bé gái mới chỉ 9 tuổi.
Những đề xuất sửa đổi này chủ yếu đến từ các phe phái chính trị Hồi giáo Shia do các nhà lãnh đạo tôn giáo hậu thuẫn, những người cho rằng phương Tây đang áp đặt các chuẩn mực văn hóa lên Iraq, vốn là quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi.
Dự thảo luật này cho phép người dân Iraq tìm đến tòa án tôn giáo trong các vấn đề về luật gia đình, bao gồm hôn nhân, vốn hiện nay chỉ thuộc thẩm quyền của tòa án dân sự. Theo đó, các giáo sĩ có thể phán quyết dựa trên cách diễn giải luật Shariah, còn được gọi là luật Hồi giáo, thay vì theo luật quốc gia. Luật Shariah cho phép kết hôn với các bé gái ở độ tuổi thiếu nhi, hoặc thậm chí từ 9 tuổi theo luật Hồi giáo Jaafari.
Nhiều phụ nữ Iraq đã phản ứng kịch liệt bằng cách biểu tình bên ngoài Quốc hội, cũng như kêu gọi chống lại dự thảo này trên nền tảng mạng xã hội. Bà Heba al-Dabbouni, một nhà hoạt động tham gia cuộc biểu tình cho biết, nhiệm vụ của Quốc hội Iraq là thông qua luật giúp nâng cao tiêu chuẩn xã hội thay vì “đưa đất nước quay lại 1.500 năm trước”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối cho tới hơi thở cuối cùng”, bà al-Dabbouni nói thêm.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp bảo thủ cho rằng những sửa đổi này mang lại cho người dân quyền lựa chọn giữa luật dân sự hoặc luật tôn giáo, đồng thời lập luận rằng nhà nước đang bảo vệ các gia đình khỏi ảnh hưởng của thế tục phương Tây.
Dự luật mới dấy lên quan ngại về việc gây ảnh hưởng tiêu cực tới quyền và lợi ích của trẻ em gái Iraq. (Nguồn: Iraqi Children) |
Ý kiến trái chiều
Cuộc tranh luận gay gắt lan rộng trên các phương tiện truyền thông Iraq, thậm chí cả trong giới giáo sĩ. Có ý kiến phản bác việc hạ độ tuổi kết hôn, cho rằng điều này gây hại tới các bé gái.
Trong khi đó, giáo sĩ Shia Rashid al-Husseini khẳng định luật Shariah cho phép kết hôn với bé gái 9 tuổi nhưng điều này có thể chỉ chiếm 0% hoặc 1% trên thực tế. Quốc hội dự kiến tổ chức bỏ phiếu sơ bộ về luật này ngày 2/9, nhưng phải hoãn lại vì không đạt đủ số đại biểu cần thiết.
Luật Tình trạng cá nhân của Iraq thông qua năm 1959 được đánh giá là một nền tảng vững chắc bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em. Luật này quy định tuổi kết hôn hợp pháp là 18, song vẫn cho phép các bé gái từ 15 tuổi trở lên kết hôn dưới sự đồng ý của cha mẹ, có chứng nhận y tế về dậy thì và có kinh nguyệt.
Nghị sĩ Raed al-Maliki coi các thay đổi này là một biện pháp bảo vệ nhằm chống lại chủ nghĩa thế tục phương Tây. Làn sóng chỉ trích văn hóa phương Tây gia tăng kể từ khi xung đột Israel-Hamas bùng nổ, phần lớn người Iraq thể hiện sự cảm thông với người Palestine ở Dải Gaza và coi các tuyên bố về quyền con người của Mỹ là giả tạo.
Đây không phải lần đầu tiên Iraq đưa ra các dự thảo tương tự trong suốt thập kỷ qua và hiện các đảng phái Shia đang dần đi đến thống nhất thông qua luật này. Theo ông Harith Hasan, học giả tại Trung tâm nghiên cứu Trung Đông Carnegie, nếu trước đây, các đảng phái Shia có những ưu tiên khác nhau, tập trung nhiều vào xung đột đang xảy ra trên đất nước trong suốt hai thập kỷ, thì giờ đây sự ưu tiên chuyển hướng sang vấn đề văn hoá.
Ông Hasan cũng cho rằng dự luật này sẽ tạo ra “chủ nghĩa bè phái” ở Iraq và làm suy yếu toà án quân sự, vì giới chức tôn giáo sẽ có thêm quyền lực để xử lý các vấn đề như hôn nhân, thừa kế và ly hôn. Quá trình này vô tình tạo ra hai quyền lực song song, dẫn tới sự hỗn loạn trong nước.
Bà Saadoun, hiện đang sống ở Irbil, trong khu vực tự trị người Kurd của Iraq, bày tỏ lo ngại về số phận của phụ nữ và trẻ em gái ở quốc gia này. “Các sửa đổi mới trong Luật Tình trạng cá nhân sẽ phá hủy tương lai của nhiều bé gái và hệ lụy tới bao thế hệ”, bà Saadoun cho biết.